Tôi đang đọc những trang cuối cùng của cuốn Biến Động – Jared Diamond (từ sau xin được viết tắt là JD) và khi gấp cuốn sách chỉ mới được phát hành năm 2019 này lại tôi cảm thấy mình như nhận ra được nhiều điều về bản thân và thế giới.
Đã từng đọc hết cả ” Súng, vi trùng, và Thép” ( 1997) ; ” Sụp Đổ” (2004) và bản thân tôi trước khi đọc Biến Động cũng luôn chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng rằng JD có thể sẽ tiếp nối tư tưởng của ông trong hai cuốn trước. Nhưng hoá ra không phải, Biến động là một cuốn sách rất khác trong tư tưởng nền tảng của nó.
Không giống như hai cuốn sách kia đa phần đều khảo cứu trên bình diện vĩ mô: các xã hội cổ đại, các quốc gia trên khắp thế giới, hay những biến đổi vần vũ của thiên nhiên, thì ở cuốn sách này JD đã mở đầu bằng chính cuộc đời ông. Sau đó những nhân tố giúp giải quyết biến cố ( 13 nhân tố) cũng khởi nguồn từ các biến cố hoàn toàn cá nhân hoặc trong một cộng đồng nhỏ hẹp ( như vụ cháy ở hộp đêm Cocoanut Grove ( Boston) – 1942) rồi từ những điều đó tác giả đi vào lý giải và tìm giải pháp cho biến cố ở bảy mẫu nghiên cứu – đó là 7 quốc gia:
Phần Lan, Chile, Nhật Bản, Indonesia, Úc, Đức, Mỹ.
Với những dòng tư liệu sâu sắc, thuyết phục được tác giả rút ra từ hàng vạn trang tư liệu lịch sử, báo chí ..vv ( mà như ông nói là mỗi quốc gia ông đều có những chồng tư liệu cao hàng mét) JD đã không khó để hấp dẫn những độc giả của ông cảm thấy hồi hộp, cuốn hút vào mỗi trang viết.
Và điều độc đáo của cuốn sách này là: Dù các quốc gia kia không phải là quốc gia tôi đang sống, nhưng tôi lại thấy được trong những biến cố của họ, những điều có thể rút ra cho biến cố của đất nước tôi, cũng như của cá nhân tôi. Một Phần Lan đã xử lý mối quan hệ với Liên Xô như thế nào khi địa lý của họ luôn gắn liền với quốc gia hùng mạnh và rộng lớn này. Bạn đọc sẽ hiểu vì sao ” Mô hình Phần Lan không thể xuất khẩu” – nhưng có thể học hỏi khi một nước nhỏ phải gắn chặt với một nước lớn về địa lý.
Ta cũng thấy được người Nhật và người Đức đã làm gì để vươn lên thành cường quốc sau hai lần thất trận. Cũng như Chile tại sao lại trải qua một chế độ độc tài lâu đến thế khi mà đất nước này có truyền thống về dân chủ. Và vì sao người Indonesia lại có căn tính quốc gia mờ nhạt nhất?
Ta cũng đọc được những điều thú vị về người Úc, khi mà họ luôn coi mình là một phần nước Anh, coi nữ hoàng Ann là nữ hoàng của họ. Cũng như tại sao ngày nay nước Úc lại là một nước nhiều người Châu Á nhập cư ( Trong đó có một người gốc Việt khi tác giả viết cuốn sách này đang là thống đốc một bang của Úc) ?
Dựa vào 13 nhân tố hình thành và giải quyết biến cố của cá nhân, JD đã thể hiện sự thông minh trong mỗi trang viết của ông khi chỉ ra những yếu tố cấu thành lên biến cố của mỗi quốc gia. Với ông Biến cố có thể xảy ra đột ngột, nhưng cũng có thể là một quá trình dài. Và nổi lên trong 13 nhân tố đó là vấn đề : Căn tính quốc gia.
Tác giả đã dành đến 2 chương gần cuối để phân tích sâu về nước Mỹ – đất nước mà ông sinh ra và lớn lên- chỉ ra những vấn đề nhức nhối mà xã hội Mỹ đang mắc phải dù đang ở vị thế siêu cường của thế kỉ 21. Để rồi khi tổng kết lại, JD đã mở rộng tư tưởng mình ra hết cỡ khi nói đến các vẫn đề nhức nhối của TOÀN CẦU. Cùng những lời hứa sẽ không bao giờ thành sự thật giữa các quốc gia và Tổ chức quốc tế.
Vẫn dựa trên nền tảng là tư tưởng lý giải mọi vấn đề của các xã hội dựa vào địa lý ( khí hậu, môi trường, dân số) nhưng đây có lẽ là cuốn sách thực sự vừa tiếp nối vừa khác biệt khi tác giả còn đưa vào đó những yếu tố tâm lý cá nhân riêng lẻ. Một cuốn sách mới mẻ, hoài bão dù JD lúc này đã là một ông già hơn 80 tuổi.
Về hình thức: Sách được Omega tái bản với bìa cứng, áo ngoài màu trắng thay vì hai màu xám tro và đen như bản của NXB thế giới. Cá nhân mình vô cùng ấn tượng với bản sách này. Đặc biệt bìa sách là bức tranh vẽ lại cảnh chiến hạm Mỹ từ ngoài khơi tiến vào Nhật Bản, đối đầu với họ là những samurai cầm kiếm cưỡi trên những chiếc xuống gỗ mong manh, vừa đậm nét Á Đông lại nói hết lên được chủ đề của cuốn sách. Ngoài chữ thì tranh ảnh đều được in màu bằng giấy lịch vô cùng đẹp mắt.
Xin được chấm cho Biến Động điểm 9/10.