Búp sen xanh – Sơn Tùng

Liên hoa sống giữa bùn lầy, nước đọng nhơ nhớp nhưng vẫn thanh khiết vươn cao. Mùi bùn dơ, tanh bẩn không xâm lấn được hương hoa dịu dàng, thanh sạch. Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Sinh Côn chính là những đoá sen chẳng hôi tanh mùi bùn ấy.

bup sen xanh

Cụ Nguyễn Sinh Sắc cả một đời đèn sách, sống thanh bạch, sáng trong. Ở kỳ thi Hội, cụ dám vung bút phê phán việc để mất nước ta cho Pháp, nhận xét, phê phán thái độ của các quan trong triều đình Huế đã cam chịu phục tùng người Tây và đua nhau học tiếng Tây cốt để được Tây trọng dụng. Lúc vinh quy bái tổ, đem lại niềm tự hào cho dân làng nhưng cụ Sắc không nhận lấy điền thổ làng tặng cho người đỗ đạt mà mấy lần đều chia cho dân nghèo. Biết làm quan không thể giữ được cái tâm sáng, cụ làm thầy thuốc giúp dân, sống an bần lạc đạo, chẳng cầu mong danh lợi tiền tài.

Quý trọng biết bao một cốt cách thanh cao! Cụ Nguyễn Sinh Sắc còn khiến ta trào dâng bao khâm phục bởi cách dạy con nên người. Chẳng đòn roi dữ dội, chẳng mắng la té tát, cụ dạy con bằng những lời răn đe, bằng lối sống cao đẹp của mình. Đặc biệt là cụ rất chú trọng việc học của các con. Mỗi đứa trẻ là một mầm xanh, đọc sách, học tập là làn nước mát, là thứ phân bón hữu hiệu để những mầm non ấy vươn cao, hữu ích. Chính vì vậy mà cụ bảo rằng “Nuôi con phải biết dạy con đọc sách, vì trong sách có vàng ngọc. Cho nên sách đắt tiền, nhà ta còn túng thiếu, cha mẹ phải nhịn các thứ khác để mua sách cho các con học”. Trong thời điểm bấy giờ, hiếm có người cha nào hiểu đạo lý như thế.

Một người cha dùi mài kinh sử, sống nhân hậu, hiền từ, ngày đêm canh cánh vì nước đã hun đúc nên tính cách của một người con sau này là vĩ nhân: Nguyễn Sinh Côn. Côn từ nhỏ đã “hiền đức tại tâm, anh hoa tại mục”. Chẳng khác những đứa trẻ khác ở sự tinh nghịch, quấy phá nhưng Côn từ tấm bé tinh hoa đã phát tiết ra ngoài: Những câu đối làm động lòng thầy, những câu nói, lời trăn trở làm lòng cha dậy sóng, những bài trò khác chưa thuộc thì Côn đã nằm lòng… Cha Côn đã không thất vọng khi dồn niềm tin, kỳ vọng vào người con thứ. Cụ Sắc dùng chữ Côn đặt tên cho con vì mong con sống mạnh mẽ, có khát vọng lớn lao:

“Chim bằng tung cánh xuyên trời thẳm

Thử sức đại dương thuở cá côn”.

Quả thật, ngay từ tấm bé, Nguyễn Sinh Côn đã có mong ước như “chim bằng”, “các côn” nhưng cũng giàu lòng nhân đạo “Nghe mệ kể chuyện Thạch Sanh, ước chi con cũng có phép thần thông, có cây đàn thần thì con cũng sẽ gẩy cho giặc Tây ngủ hàng loạt, thu hết súng ống về, rồi nấu cho chúng một niêu cơm hoa ăn mãi không hết, trải chiếu hoa trên đường, tống tiễn chúng về Tây”. Đúng vậy, Nguyễn Sinh Côn chẳng phải là loài cá nhỏ bé bơi lội trong ao, trong hồ chật hẹp. Côn đổi tên thành Thành, thành Ba rồi vẫy vùng biển khơi. Từ hành trình ấy, ta đã có một Bác Hồ vĩ đại mà cả dân tộc đời đời nhớ ơn.

Người vĩ đại không chỉ ở tầm nhìn, ý chí lớn lao mà còn ở trái tim bao la tình người, ngọt ngào yêu thương. Nhà thơ Tố Hữu thốt lên rất chính xác:

“Bác ơi tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông mọi kiếp người”.

Bác thương từ người già đến trẻ nhỏ, lo lắng cho từng người bạn quanh mình. Thiên tư sáng suốt, tấm lòng toả hương nên thuở nhỏ đến khi lớn khôn, Bác rời xa mảnh đất nào, con người nơi đó đều bịn rịn. Thầy giáo tiếc ngẩn ngơ khi Bác rời trường Quốc học vì không muốn chịu nhục trước bọn cướp nước “Cái ghế học trò! Con yêu nó như yêu cái thềm nhà in dấu vết con tập bò, tập đi. Nhưng con không thể chịu nhục ôm cái ghế để có mảnh thành chung”. Học trò và đồng nghiệp trường Dục Thanh ai cũng rưng rưng khi đọc những dòng viết Bác để lại lúc Người quyết chí ra đi vào nơi lao khổ. Út Huệ cùng anh em bến cảng cũng bịn rịn, lưu luyến khi Người ra đi tìm đường cứu nước với đôi bàn tay trắng cùng ý chí ngút trời… Ai cũng quý cũng yêu, ai cũng không nỡ rời xa. Bao nhiêu đó đã đủ khẳng định một nhân cách lớn lao.

Tác phẩm không chỉ dựng lại những thành đồng khiến ta ngưỡng vọng mà còn khiến ta trăn trở và suy ngẫm rất nhiều về việc đọc sách. Bác quan niệm đọc sách giúp mắt ta sáng, giúp ta nhận rõ đường, tự tin hơn trước kẻ thù, “Cái chữ cho con mắt còn hơn cả miếng cơm cho cái miệng vậy”. Thân sinh Bác cũng từng nhắc nhở:

“Vạn ban giai hạ phẩm

Duy chỉ độc thư cao”.

Đọc sách quả là một việc vừa cần thiết, vừa là một thú vui, một niềm hạnh phúc vô bờ. Những con chữ đã giúp Bác nhận ra đường lối đúng đắn cũng như nhận ra sai lầm của các bậc tiền nhân. Chữ nghĩa, sách vở là thứ lũ cuốn phăng rác rến tục tĩu, những cơn say bí tỉ, những cãi cọ om òm của những thợ thuyền tại bến cảng Nhà Rồng…

Với lời văn dung dị, vốn hiểu biết chắt góp một đời, nhà văn Sơn Tùng đã dựng lên những hình ảnh đẹp lồng lộng của các bậc cha anh. Đất nước lâm nguy, anh tài nào cũng muốn cống hiến cho dân tộc. Đặc biệt xúc động là tác giả đã giúp ta quay ngược thời gian, hiểu rõ hơn về tuổi thơ của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Không mang chất huyền sử, truyền thuyết như bao tác phẩm cùng thể loại, Búp sen xanh đã thực sự xây dựng sống động một bức chân dung đời thực rạng ngời nhân cách và lớn lao tầm nhìn.