Bằng cách tạo nên một bức tranh biếm họa, đầy sâu cay, mà bản thân mình sẽ đóng vai họa sĩ hay người kể chuyện – Prosper Merimée đã gợi lại một khoảng khung trời cũ, một xã hội cũ mà ở đó đầy rẫy những định kiến áp đặt lên con người, ở đó xã hội không còn cái bản chất tốt đẹp của nó, ở đó, nơi con người dễ dàng lầm lạc, dễ dàng trở thành nạn nhân của chính tâm hồn lạc lối, hay bóng tối ngang tàng của số phận.
“Carmen” là một tuyển tập các truyện ngắn của nhà văn Prosper Merimée bao gồm 8 truyện khác nhau, kể về những cuộc đời khác nhau, mỗi con người, mỗi nhân vật là một dòng chảy khác nhau, nhưng đều cuộn xoáy vào nhau, trộn lẫn vào nhau, để rồi cùng nhau chảy về cái xã hội Pháp khốn khổ, đổ về cái dòng xoáy cuồn cuộn của xã hội Tây Ban Nha hay một Châu Âu già cỗi.
Đầu tiên, phải nói đến cái anh chàng Tamango – kẻ nổi tiếng gây ra tội ác, sở thích là đẩy người vô tội vào đường cùng, đẩy con người ta vào vòng tay của quỷ dữ, để rồi, tự đẩy mình vào nanh vuốt của những tên gian ác chỉ vì đôi ba chén rượu, chỉ vì chút hơi men thấm đẫm vào phần lý trí ít ỏi của bản thân. Hắn ta bị bắt giữ cùng những người đã từng là tù nhân của mình, cùng chịu chung với họ những điều khốn khổ mà chính bản thân chưa từng được nếm trải, và rồi, hắn ta như được cảm nhận chân thật nhất sự đáng thương của những người da đen chui rúc trong khoang tàu chật hẹp, những người không hề biết rằng quyền con người của mình bị xâm phạm nghiêm trọng, những con người nghiễm nhiên bị tước mất quyền sống, quyền tự do, để trở thành món hàng rẻ tiền dễ dàng sinh lợi trong tay kẻ khác. Không chịu đựng được hoàn cảnh khốn khổ, hắn ta bàn kế hoạch để vùng dậy, để giải thoát cho bản thân hay vì thương cảm cho những con người tội nghiệp? Chẳng ai biết được rõ ràng những suy nghĩ trong hắn, chỉ biết rằng tiếp sau đó, vì không có mục tiêu hay kế hoạch rõ ràng, mọi thứ chỉ còn là một thứ hỗn độn, vô trật tự, vô phép tắc ngập tràn trong xác thịt, ngập ngụa giữa máu và những tội ác ghê tởm,…
Ta lại nhìn thấy, cô nàng Julie, người con gái tội nghiệp bị hành hạ bởi những hủ tục, bởi những phép tắc xã giao hay định kiến xã hội, thanh danh hay sự cao quý để rồi bị bóp nghẹt trong chính cuộc sống mà mình cho là tốt đẹp, để rồi bị bóp nghẹt giữa ngổn ngang suy nghĩ và trở thành nạn nhân của “những bóng ma vô hình” lâu nay chầu chực quanh tâm hồn trinh bạch của cô.
Không thể nào không kể đến người đàn bà tôi nghiệp mang tên Arsène, người bị dày vò bởi quá khứ, đứng giữa ranh giới chênh vênh giữa con đường tội lỗi và con đường hướng về cái thiện để được cứu rỗi. May mắn thay phần hồn của cô được bà Piennes tốt bụng chăm sóc và dang tay giúp đỡ nhưng xui xẻo thay họ lại được gắn kết với nhau bằng mối quan hệ ba người, bằng thứ tình cảm vẩn vơ như một sợi dây ràng buộc mỏng manh giữa họ. Họ hướng thiện, họ cứu vớt đời nhau nhưng thứ tình cảm trần tục lại lại dễ dàng chiếm lấy những con người vốn đã khốn khổ, để họ dằn vặt, để họ ngập lầy trong bóng tối nhờ nhờ cứ bám riết lấy tâm trí và tâm hồn họ.
Và không không thể nào không nhắc đến “Carmen” người con gái bô hê miêng tự do, kiêu hãnh, người con gái sống cho hiện tại và vì hiện tại, người con gái tay nhuốm máu nhưng nụ cười thì vẫn dễ dàng nở trên đôi môi xinh đẹp. Nàng đại diện cho một con người phóng túng, là một “thứ thuốc phiện” dễ nghiện, dễ khiến người ta lầm đường lạc lối và dễ đẩy con người ta vào tội ác. Nàng yêu bằng cái tình yêu cuồng nhiệt, yêu bằng thứ tình yêu không ràng buộc, không bi lụy, tình yêu của nàng là tình yêu tự do, là thứ trang sức rực rỡ tô điểm thêm cho cái tính khí và con người bốc đồng của nàng. Nàng gặp anh Don Jose, nàng yêu anh José, nàng khiến con đường tương lai của anh sụp đổ, khiến anh trở thành con người đáng kinh tởm, bị xã hội khinh rẻ, bị người ta truy đuổi, nàng nói dối anh, quyến rũ anh, nàng trao thân cho anh nhưng rồi nàng lại bước tiếp trên hành trình yêu đương của mình, trong khi José lại muốn tìm một bến đỗ bình yên cho tình yêu, cho nàng và cho cả anh. Nàng không chịu được sự ràng buộc, không chịu được những xiềng xích mà José muốn trói mình lại và giữa họ tồn tại thứ mâu thuẫn đáng sợ. Nàng và anh từ đầu đã là đại diện cho hai thế giới khác nhau, giữa nàng và anh từ đầu đã bị trói buộc bởi những tư tưởng khác nhau, giữa họ là hố sâu của vực thẳm chỉ chực chờ nuốt người ta vào cái miệng đen ngòm của nó.
Carmen và Julie, hai con người được tạo ra từ cùng một bàn tay tài hoa, nhưng cuộc đời và con người của họ lại đối nghịch với nhau. Nếu Carmen là con người dũng cảm, sống một cuộc sống vô trật tự, lộn xộn thì Julie lại luôn bị ám ảnh bởi thứ trật tự méo mó, giả tạo mà cô và giai cấp của mình tự buộc bản thân vào. Nếu Carmen là một con người tự do, luôn đi theo tiếng gọi con tim của mình thì Julie lại là một con người sống trong sự tù túng chật hẹp. Nếu tình yêu là thứ phù phiếm mà Carmen chỉ xem đó như trò chơi, thì Julie lại bị tình yêu bóp nghẹt, bị định kiến bóp nghẹt để rồi giãy giụa trong đó không thể nào tìm thấy lối thoát cho chính bản thân mình.
Nếu Carmen là nhân vật khiến người ta đặc biệt chú ý, thì riêng tôi lại có những cảm xúc khác biệt đối với một nhân vật khác tên là Colomba. Colomba là một người con gái Corse, sinh ra và lớn lên nơi vùng quê vẫn còn đầy những thứ tục lệ quái gở. Sống trong một môi trường người ta hàng ngày nghĩ đến việc trả thù, hàng ngày cho phép mình thay mặt quan tòa lấy đi sinh mạng người khác, nàng lớn lên đã dần trở thành một cô gái đầy toan tính và đáng sợ. Sau cái chết của cha, mối thù của nàng càng trở nên sâu sắc và là thứ nuôi dưỡng nàng, mang lại sinh lực và nguồn sống cho nàng. Thế rồi, nàng lèo lái cuộc đời của người khác theo ý mình, nàng sống ích kỷ và trở nên độc đoán. Và chẳng biết từ khi nào, trong nàng tồn tại hai bản thể một tốt bụng và một là ác độc, cay nghiệt ngày đêm được nàng mài dũa. Trong câu chuyện này, ta có thể nhận thấy, hay nhìn thấy được rõ ràng nhất cái bản chất của thứ gọi là “Trả thù”, sự trả thù đem lại một cảm giác hả hê, chiến thắng cho bản thân nhưng lại đem đến muôn vàn khổ đau cho người khác. Con người từ khi nào đã dần trở thành thứ sinh vật tàn nhẫn và đáng sợ nhất, cay độc và tàn ác nhất. Con người chẳng biết từ khi nào thích nhìn thấy nỗi đau của người khác và xem đó là thứ vui thích nhất trần đời?
Qua lối kể chuyện đầy cuốn hút nhưng cũng lạnh lùng không kém, những nhân vật của Prosper luôn được xây dựng là những con người dễ dàng lầm lạc vào tội lỗi, trong quyển sách này, bạn khó có thể tìm thấy một nhân vật nào lương thiện, trong sáng toàn vẹn, tốt bụng và trong sáng ngời ngời,…
Các nhân vật của ông mang những nét tính cách đặc biệt là những con người đặc biệt làm nổi bật lên nhân cách và con người ở xứ sở đã sinh ra họ. Là những con người chân thật, gần gũi và có thể nói là dễ dàng tìm thấy ở trong bất cứ xã hội nào dù xưa và nay. Là một người kể chuyện, ông không phán xét họ, không bày tỏ tình cảm mến thương hay tội lỗi và cảm thương cho bất cứ một nhân vật nào của mình, nhiệm vụ của ông là ghi chép lại câu chuyện của họ và với thái độ bi quan và thái độ dửng dưng đến đáng sợ, và nhiệm vụ của ông là khắc họa chân thật nhất những nhân vật của mình, để mặc họ lầm đường lạc lối và chịu những kết cục bi thảm để trá giá cho bản thân mình và cho người khác. Ta có thể cười cợt họ, có thể sỉ vả, căm phẫn, hay ghét họ nhưng rồi cũng chính họ đem lại cho bản thân ta những suy nghĩ khác nhau, cho ta một cái nhìn đặc biệt, mở lối cho ta bước vào thứ bóng tối sâu hun hút của xã hội loài người, của bản chất con người.