Tuần này, mình đọc 1 cuốn sách về kinh tế, hẹn tuần sau chia sẻ tới các bạn cho đầy đủ. Hôm thứ 5, được nghe chia sẻ về việc chơi cùng con, các chị trong nhóm có nhắc đến cuốn sách “Chat về nghề làm cha mẹ” nên mình đã đem ra đọc luôn.
Sách dày 138 trang, dễ dọc nên mình đọc khá nhanh. Tác giả là chị Lê Thị Phương Nga, tác giả của cuốn sách về trẻ tự kỷ rất nổi tiếng – “Đưa con trở lại thiên đường”.
Trong sách, tác giả có nhắc đến chương trình KỸ NĂNG PHỤ HUYNH CƠ BẢN hướng dẫn các kỹ năng giáo dưỡng trẻ tổng quát, dành cho phụ huynh. Mình chưa tham gia chương trình này, nhưng qua một vài chia sẻ trong sách cũng cảm nhận được sự thiết thực của chương trình này.
Mình cảm thấy cuốn sách này, về nội dung khá giống với bộ sách VÔ CÙNG TÀN NHẪN, VÔ CÙNG YÊU THƯƠNG, ngôn từ và ví dụ “đậm chất” Việt Nam hơn.
Định nghĩa một ĐỨA TRẺ NGOAN mà thực trạng xã hội hiện nay đó là “Con phải là một đứa trẻ bảo gì nghe nấy”. Những gì bố mẹ làm với cái bảng hiệu “VÌ CON” thực chất chỉ là những điều cha mẹ muốn chứ không phải là con muốn. Vì vậy, đôi khi con không muốn làm theo, chứ không phải vì con không thương cha mẹ.
Thực trạng nuôi dạy con và hậu quả của nó thì nhiều lắm, mình không nhắc đến ở đây. Khi đọc sách, mình cảm nhận được một phần thực trạng này mình đã được nếm qua và một vài người thân của mình cũng đã phải gánh hậu quả vì nó.
Nguyên nhân của hệ quả này đúng với câu “CỦA CHO KHÔNG BẰNG CÁCH CHO”. Chúng ta muốn cho con mình những điều tốt đẹp nhưng vì kỹ năng trao truyền chưa phù hợp, chưa đủ, chưa đúng nên cha mẹ cố cho thật nhiều mà con chẳng nhận được bao nhiêu, buồn hơn là đôi khi con nhận lấy những điều ngược lại. Vậy CHO sao cho ĐÚNG CÁCH?
Tác giả chia sẻ “LÀM CHA MẸ CẦN SỰ DŨNG CẢM”. Dũng cảm vượt qua chính mình để học hỏi KIẾN THỨC mới. Dũng cảm vượt quan bản năng để nuôi dạy con với những KỸ NĂNG phù hợp. Dũng cảm đương đầu với những quan điểm lạc hậu để tạo MÔI TRƯỜNG phát triển tốt nhất cho con trong phạm vi có thể.
CON TRẺ CẦN GÌ Ở CHA MẸ?
Trẻ cần chúng ta TÔN TRỌNG, CÔNG BẰNG, YÊU THƯƠNG và VUI VẺ.
1. Hãy học nhuần nhuyễn kỹ năng LÀM BẠN VỚI CON ngay từ khi con mới chào đời. Hãy đảm nhận vai trò người bạn thông thái của con!
* Các yếu tố quan trọng khi làm bạn với con:
– Kỹ năng LẮNG NGHE: Lắng nghe và đừng phán xét. Khi con kể chuyện gì, hãy vô tư nghe, đừng quy kết vội vàng.
– Khả năng trao tặng yêu thương vô điều kiện:
YÊU THƯƠNG VÔ ĐIỀU KIỆN = Yêu mến + Tôn trọng + TIN TƯỞNG
Nói năng với con như với đối tác (những gì bạn không bao giờ dám nói với đối tác thì cùng không nói với con).
Những việc gì có liên quan đến con thì hãy cùng con bàn bạc để tìm ra giải pháp và thực hiện điều này khi con mới 3 tuổi.
Khi con phạm lỗi, hãy đợi cơn giận lắng xuống rồi cùng con phân tích và thống nhất hình phạt và biện pháp khắc phục.
Khi con không giải quyết sự việc theo thỏa thuận, hãy can đảm chấp nhận để con nếm đủ hậu quả từ đó giúp con học được bài học ấy.
ĐỪNG mang tình yêu thương ra là điều kiện để mặc cả với con.
Tình yêu thương là một nguồn dinh dưỡng vô hình đối với các con. Hãy dành thời gian chất lượng bên con. Số lượng thời gian không nhiều thì chất lượng thời gian phải đủ.
Ôm ấp, âu yếu con – kể cả con trai hay con gái ngay từ khi con còn nhỏ tới ngày cuối cùng của cuộc đời bạn.
– Cha mẹ cần cung cấp cho con đầy đủ những kỹ năng sống, bắt kịp với nhu cầu phát triển của con, chia sẻ, tâm tình làm bạn với con.
– Khả năng biến những bài học, những việc chán ngắt thành những việc hấp dẫn bằng cách khích tướng, ĐỘNG VIÊN, HỖ TRỢ và không bao giờ ép trẻ.
– Khi giải thích với con, cần có cách diễn đạt phù hợp để trẻ cảm nhận đầy đủ điều bạn muốn tâm sự.
* Phương pháp:
– Trẻ từ 0 – 6 tuổi:
+ Đặc điểm lứa tuổi:
Con muốn biết mọi thứ, tốc độ tiếp nhận thông tin của con là vô hạn, con học nhanh nên con hỏi nhiều.
+ Cần nhớ:
Khi con hỏi nếu mẹ bận thì hãy GHI nhanh câu hỏi ấy lại và cho con một cái HẸN như đối tác.
Gặp câu hỏi khó, hãy THÀNH THẬT với con: “Cái này mẹ chưa biết con ạ, để mẹ tìm sách đọc rồi nói cho con nghe nhé.”
Cùng con tiến hành các “HỘI NGHỊ” để thảo luận và cho con biết trước thời lượng “Mình sẽ bàn việc này trong … phút nha con. Khi nào đồng hồ reo thì mẹ con mình sẽ làm việc khác.”
Khi con có câu hỏi “lạ” hoặc 1 ý kiến sai, hãy bình tĩnh cùng con phân tích. Hãy nói “Thế à, mẹ con mình hãy xem thế nào nhé.”
– Trẻ từ 6 – 10 tuổi:
+ Đặc điểm độ tuổi:
Con tham gia nhiều hoạt động xã hội nên nhu cầu về hỏi còn rất rất cao, cơ chế hoạt động của não bộ đã hoàn thiện nên con sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin. Vì vậy, con muốn biết tất cả.
+ Cần nhớ:
Trả lời câu hỏi của con ĐÚNG SỰ THẬT, đúng khoa học. ĐỪNG nói sau này lớn lên con … sẽ biết, …
Hãy tìm hiểu kiến thức và trả lời cho con, kể cả những chuyện về giới tính “mẹ ơi, con sinh ra từ đâu”, …
– Trẻ từ 10 tuổi trở đi:
+ Đặc điểm độ tuổi:
Con đã là người lớn rồi nên con cần được ĐỐI XỬ NHƯ NGƯỜI LỚN trong gia đình.
+ Cần nhớ:
Cho con cùng lên kế hoạch và tham gia vào cá hoạt động có kỷ luật, có gắn trách nhiệm. Có các cuộc HỌP GIA ĐÌNH vào mỗi tuần để tự đánh giá, nhận xét và đưa ra kỷ luật,…
GIAO LƯU bạn bè thương xuyên giữa cha mẹ và con: Cùng con làm vườn, chơi cầu lông, cùng tán gẫu, …
Nếu ở xa, hãy giao tiếp với con từ xa bằng những phương tiện như điện thoại, tin nhắn, …
Khi được con bày tỏ, vui lòng GIỮ BÍ MẬT như bác sĩ giữ bí mật cho bệnh nhân. Giữ bí mật mà không che dấu và không dung túng.
2. Cung cấp cho con những KỸ NĂNG SỐNG để ứng phó với cạm bẫy trong cuộc sống
– Truyền kỹ năng sống cho con từ khi con còn là 1 em bé sơ sinh và phải hoàn thành cơ bản ở tuổi 12.
– Kỹ năng quan trong nhất tác giả có đề cập trong sách là KỸ NĂNG NHẬN BIẾT GIÁ TRỊ THẬT VÀ GIÁ TRỊ ẢO
Giá trị thật là giá trị không ai có thể lấy đi được của ta (ví dụ: Tài năng, …)
Giá trị ảo là những thứ có thể bị mất đi bất cứ lúc nào (ví dụ: Danh tiếng, tiền bạc, của cải, …).
– Học KỸ NĂNG SINH TỒN như biết chấp nhận, thích nghi, xử lý tình huống, hòa giải, linh hoạt, kiềm chế, …
3. Kỹ thuật KHEN NGỢI con
– Hãy khen công việc của con làm, ĐỪNG khen bản thân con.
– Động viên con để con rút kinh nghiệm từ những vấp váp để trẻ hiểu đó chỉ là những bài học kinh nghiệm và sẽ tiếp tục bước tới.
– Nói những câu nói đơn giản nhưng chân thành và đúng tầm các bé có thể tiếp thu được dễ dàng.
🔑 Đánh giá về sách của cá nhân mình:
Sách tổng hợp theo các câu chuyện giống như các bài chat chia sẻ với phụ huynh nên ở mỗi câu chuyện sẽ có sự trùng lặp ý diễn đạt, vì viết theo phong cách này nên dễ đọc nhưng để xâu chuỗi tổng hợp thành các kỹ năng làm bạn với con hay các kỹ năng cơ bản của phụ huynh thì cảm giác vẫn bị thiếu.
Nên có lẽ phải theo dõi các bài viết của tác giả hoặc tham gia khóa học kỹ năng cơ bản dành cho phụ huynh của tác giả thì mới hiểu hết được.
Các bạn tìm đọc thêm 2 bộ sách VÔ CÙNG TÀN NHẪN, VÔ CÙNG YÊU THƯƠNG và bộ sách NÓI SAO CHO TRẺ CHỊU NGHE, NGHE SAO CHO TRẺ CHỊU NÓI để có thêm thông tin nha!