“Chết giữa mùa hè’ của Yukio Mishima là tập truyện hơn 300 trang bao gồm 9 truyện ngắn, 2 vở kịch Nô cận đại, những bài giới thiệu về Mishima và quá trình sáng tác của ông, đánh giá giữa Nô cận đại và Nô cổ điển là vừa đủ để những độc giả chưa biết về Mishima hiểu chút về ông, và những người nghiên cứu về ông đọc một cuốn sách tương đối tổng hợp được về nhân sinh và thế giới quan của ông.
Dịch giả Nam Trân viết về Mishima với lời giới thiệu “có mối tình thầy trò đặc biệt với Kawabata Yasunari”. Quả thực, cách ẩn dụ và lối viết của ông, khó hiểu cũng không khác gì khi đọc những tác phẩm của Kawabata Yasunari. Nếu như bìa sách Tao Đàn ghi rằng tác phẩm của ông là “sự gợi ca và nỗi ám ảnh thường trực dành cho cái chết…”, thì bước vào 9 truyện ngắn của ông, cái chết hay “nỗi cô đơn của nhân loại lúc bình sinh”, “tâm hồn đang yêu muốn được giải phóng khỏi sự hạn hẹp của giới tính và xác thịt” chỉ như phần nổi của tảng băng chìm. Truyện của ông mang nhiều hơi hướm về luận giải, nghiên cứu về mối quan hệ giữa tình yêu – tình dục, phi giới tính, về hình thái của con người, đời sống tâm hồn dựa trên tôn giáo, khoa học. Bằng thứ ngôn ngữ đặc trưng trong văn học Nhật, liên kết chặt chẽ với cấu trúc của Tây phương, để đọc và hiểu hết được những gì ông muốn truyền tải – chỉ trong 9 câu chuyện là không dễ. Ông viết về cái chết – không chỉ là cái chết về mặt vật lý, đấy có thể là cái chết từ trong tâm, chết do sự thần tượng, đam mê bị sụp đổ ở mức cao nhât. Có lúc, cái chết được ông miêu tả đẹp và trong trắng như trong Ưu quốc (Đây là một từ dịch rất hay và ở đoạn cuối, khi được đọc lý giải về tiêu đề này, mình càng cảm thấy dịch giả siêu vô cùng). Ở Ưu quốc, cái chết là “Hành động này cũng đồi hỏi nhiều ý chí như khi ra trận cần nhiều can đảm, đây là cái chết mà nhân phẩm và tư cách không kém gì kẻ vong thân trên tuyến đầu trận mạc”. Nhưng cũng có lúc, cái chết lại trần trụi, bình thản giống như việc khát phải uống nước, đói phải ăn như trong “Chết giữa mùa hè”, rằng “Cả nhà giờ đã quen với cái chết, và cũng như những ai đã quen với một tật xấu, họ bắt đầu cảm thấy mình không còn phải e dè gì đối với cuộc sống nữa”. Hoặc sự chết chóc ở đây là sự thất vọng cùng cực, mà có thể dùng từ thất vọng – là quá nhẹ đối với những gì ông muốn nhắc đến trong cái chết này. Như trong “Chôchô” hay “Onnagata”, hoặc “Chim công”, đặc biệt tạm dễ hiểu nhất về “cái chết” này là trong “Mối tình của vị cao tăng chùa Shiga”.
Đặc trưng văn học Nhật trong ông mà mình thấy rõ nhất đấy là cách ông viết về tình yêu, đặc biệt là tình yêu đồng giới. Ông không mang lại cảm giác khiên cưỡng hay nâng cao quan điểm về vấn đề đó. Với ông, dường như yêu là yêu, nó không phân định đối tượng, giới tính, hay địa vị, tuổi tác. Trong “Dì Haruko”, Onnagata hay “Đôi cánh”, nhất là trong “Dì Haruko”, thứ hy sinh về tình mà ông mang đến nó đơn giản, ,cái đơn giản như đen là đen, trắng là trắng và tình yêu thì không thể mang chút tư lợi cá nhân nào để chọn hy sinh hay không.
Có thể thấy, cốt truyện của Mishima không có kết, càng không phải cái kết theo kiểu “Happy Ending”. Thêm vào đó, ông không xây dựng bất kỳ mâu thuẫn nào hay đưa ra cách giải quyết mâu thuẫn (thường những tác phẩm triển khai như vậy sẽ không dễ hiểu chút nào), hoặc cái cách ông nhận định về mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn vượt qua tầm hiểu biết hiện tại của mình. Câu văn của ông thường không phức tạp, cũng không ẩn ý đạo lý, sự đơn giản của ông mang lại cho độc giả một cảm thức phức tạp để thẩm thấu được nỗi buồn, cái chết, tình yêu mà ông dùng câu chữ để diễn giải. Ví dư trong 9 câu chuyện của “Chết giữa mùa hè” thì quả thực là “không có tính luân lý và thần linh, mà gắn bó nhiều với hiện thực của đời sống con người đồng thời đại”.
Điều mình khâm phục là một tác giả khó nhằn như thế, nhưng dịch giả và Tao Đàn đã vất vả để truyền tải được tư tưởng của Mishima đến độc giả Việt Nam. Nhưng luận giải, giới thiệu và tóm tắt quá trình sáng tác của Mishima giúp mình hình dung và nắm bắt một phần quan điểm của tác giả. (Tiếc là không rõ do vội đưa tác phẩm nặng ký này đến độc giả hay sao mà sách tồn tại không ít lỗi đánh máy). Dĩ nhiên, mình chưa dám nhận là sau đó sẽ hì hụi đi tìm đọc tất cả các tác phẩm của ông. Nhưng biết đâu đấy, cũng như Kawabata Yasunari, từ “Những người đẹp say ngủ” đến “ Ngàn cánh hạc”, bỗng dưng một thời điểm nào đó, bắt gặp câu chuyện hay vở kịch Nô, hoặc kể cả những bài luận của Mishima, mình lại như gặp chân ái thì sao.
Đọc Mishima, một tác giả “độc lập, không chạy theo thời cuộc, một phần cũng vì có sự tự tin ở tài nghệ của mình”, với tuyển tập “Chết giữa mùa hè” của Tao Đàn books, để biết “Sự cứu rỗi phải đến từ sức của mình chứ không phải nhờ ở sức người”. Và để hiểu về ông, hãy đọc và tự ngẫm những điều ông truyền tải đến để mở rộng thêm thế giới tâm hồn của mình, mở đôi mắt để nhìn một hướng khác về tình yêu, tình dục, con người, cuộc sống này