Chữ vạn: Khám phá miền xấu xa và bại hoại nơi sâu thẳm con người

1. Trong lời đề từ cuốn tiểu thuyết Chân dung của Dorian Gray, Oscar Wilde đã viết rằng: “Không có sách nào đạo đức hay không đạo đức. Chỉ có sách viết hay hoặc viết dở. Thế thôi.” Và khoảng sau gần một thế kỷ, Milan Kundera có lẽ đã mở rộng quan niệm trên của Wilde khi ông đã viết rằng: “Hiểu biết là đạo đức duy nhất của tiểu thuyết.” (trích Nghệ thuật tiểu thuyết).
Hai quan niệm ấy đã ngầm bổ sung cho nhau để tạo nên một định nghĩa hoàn chỉnh. Văn học nghệ thuật, chắc chắn, không phải chuyện đúng sai. Nó không phải chuyện Gustave Flaubert phải ra tòa vì cuốn tiểu thuyết Bà Bovary bị chỉ trích mang yếu tố vô đạo, màu sắc dâm dật. Văn chương, như Kundera quan niệm, phải xem sự hiểu biết là điểm trọng yếu mà nó nên hướng về mà có lẽ, đó chính là sự hiểu biết về con người. Tanizaki Junichiro, một trong những nhà văn hiện đại tiêu biểu của Nhật Bản, đã viết văn vì điều đó.
Là một nhà văn tôn sùng chủ nghĩa duy mỹ vô luân (ảnh hưởng từ chính Oscar Wilde), những trang viết của Tanizaki Junichiro thường đi sâu vào lĩnh vực cấm kỵ, khám phá những khát khao tình dục cháy bỏng đến mức bệnh hoạn với một thứ văn phong đầy cuốn hút, hấp dẫn. Cách viết của ông vô cùng độc đáo nếu so với những cây bút đương thời. Chẳng hạn, cùng viết về những khát vọng được sống, được yêu thẳm sâu tâm hồn của một lão già ở độ gần đất xa trời, trong khi Kawabata Yasunari khai thác chủ đề ấy với giọng văn đẹp đẽ, trĩu nặng nỗi buồn, mang sắc thái u huyền mê hoặc qua cuộc hành trình của lão Eguchi đến căn nhà bí ẩn của những người đẹp ngủ mê (tác phẩm Những người đẹp say ngủ) thì Tanizaki Junichiro lại khai thác với giọng văn trần trụi, có phần đồi phế, khi ông lão Utsugi trong tác phẩm Nhật ký già si có fetish bàn chân và bị ám ảnh nhục dục bởi vẻ đẹp của cô con dâu ranh mãnh. Sự đối nghịch này đã tạo nên cho văn học Nhật Bản sự đa dạng trong mỹ học, trong phong cách lẫn bút pháp. Thế nhưng, dẫu cho khác biệt là thế, cả hai văn hào lớn của xứ Phù Tang đều hướng đến cái chung, chính là sự khám phá chiều sâu bản thể nơi con người và những khao khát thầm kín luôn quẫy đạp mạnh mẽ.
2. Chữ Vạn là một tiểu thuyết nổi tiếng của Tanizaki Junichiro. Tác phẩm là một lời thú tội của một thiếu phụ tên Kakiuchi Sonoko với một tiểu thuyết gia mà cô gọi là “tiên sinh”, về một sự việc đang nổi rần rần trên báo chí hiện nay. Cô kể về sự si mê của chính cô đối với một người phụ nữ đẹp rạng ngời tên Mitsuko ở lớp học vẽ, đến mức cô đã vẽ hình Quan Âm với khuôn mặt của chính nàng ấy, và cả hai đã bị đồn ầm lên với nghi án yêu đồng giới. Thế nhưng, câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó mà còn kéo theo một chuỗi dây mơ rễ má tiếp theo. Sắc đẹp của Mitsuko toả ra một thứ ma lực kỳ lạ đến mức cả ông Kakiuchi cũng bị cuốn hút bởi nàng, đồng thời còn thêm sự xuất hiện của Watanuki – một gã đàn ông bất lực cũng đem lòng si mê Mitsuko. Tất cả đã làm nên mối tình tay tư phức tạp, rối rắm, cùng với hàng loạt những tình huống điên rồ, oái ăm, hài hước về sau.
chu van
Ta dễ dàng nhận thấy bóng dáng của Oscar Wilde ẩn hiện trong áng văn của Tanizaki. Câu chuyện về một hoạ sĩ say mê vẻ đẹp của người mẫu đồng giới phần nào gợi nhớ đến tình cảm Basil Howard dành cho chàng trai đẹp như tiên tử Dorian Gray. Thế nhưng, nếu ở Basil, tình cảm ấy phần nào chỉ dừng lại ở sự ngưỡng mộ cái đẹp, hình mẫu của mình, thì thứ tình cảm của Kakiuchi mạnh mẽ, bạo liệt hơn: cô yêu nàng đến tận cốt tuỷ, cô muốn chiếm hữu nàng, muốn nàng mãi mãi thuộc về mình. Cô phóng khoáng đến suy đồi, vò nát tất cả những giá trị đạo đức thành những mảnh vụn, cốt để hướng đến cái đẹp và sự giải phóng những đam mê sắc dục.
Sự đam mê sắc dục luôn là một phần sâu thẳm, thuộc về bản năng nguyên thuỷ nơi con người. Người ta chỉ có thể cố gắng né tránh, chứ không thể nào phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của nó. Việc nhà văn khai thác phần bản ngã này là một quyết định vô cùng can đảm, bởi nó là điều không ai muốn nói ra. Thế nhưng, chính ở những phần ẩn khuất nơi bản thể ấy chính là nơi mà con người hiện lên một cách rõ nét nhất, với tất cả những bản tính phức tạp, những xung đột nội tại và cả những khao khát cháy bỏng không thể phác lộ bằng lời nói thông thường. Xuyên suốt Chữ Vạn chính là chuỗi những nghi ngờ, ghen tuông, mưu tính độc địa hãm hại nhau và cả những tham vọng ích kỷ, đáng sợ, bệnh hoạn, tất cả đều xuất phát từ sự không thoả mãn sắc dục. Điểm mới mẻ ở Tanizaki, theo tôi, chính là ông đã ngầm đề ra rằng sự ham mê sắc dục luôn đồng lõa với những thứ xấu xa ấy, và thể hiện trên trang viết một cách mạnh mẽ.
Mitsuko – nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết – đã thể hiện rõ ràng tư tưởng của Tanizaki. Người ta thường gọi nàng là ‘femme fatale’, người đàn bà chết chóc, dùng chính sự quyến rũ chết người của mình để thu hút người khác, thậm chí khiến người ta bỏ mạng vì nàng. Ví Mitsuko là “Quan Âm Bồ Tát”, với tôi, chính là một chi tiết đặc sắc của tiểu thuyết. Cũng giống như gọi Gatsby là một con người vĩ đại, nó phần nào mang hàm ý mỉa mai, vì rõ ràng Mitsuko chẳng phải Quan Âm mà chính là một kẻ nham hiểm đứng sau thao túng tất cả mọi người. Nhưng gọi nàng là Quan Âm thực chất cũng chẳng sai. Nàng, dĩ nhiên, không ban phát phước lành cho mọi người, mà nàng ban cho mọi người một tấm gương để họ nhìn vào và thấy những chiều kích xấu xa, đen tối tận sâu trong tâm hồn của mình – thứ mà họ luôn giấu. Kể từ khi sa vào ma lực của Mitsuko, cả vợ chồng Kakiuchi hay Watanuki đều hiện lên với bản chất thật của mình – xấu xa, ghê tởm, khao khát dục vọng đến mức bại hoại.
Và đích đến cuối cùng của sự ham mê sắc dục cực đoan là gì? Ta hãy chú ý đến biểu tượng chữ Vạn (卍) gồm có 4 góc, dường như tượng trưng cho bốn con người đang bấu víu, vùng vẫy trong những khoảng không đen tối trong chính tâm hồn mình. Và tiêu đề của bản tiếng Anh lại là “Quicksand” – cát lún. Liên kết hai tựa đề này lại, ta sẽ có một câu trả lời hoàn chỉnh: Chính sự ham mê sắc đẹp và khoái lạc đến mức bệnh hoạn không khác gì một con thiêu thân sẽ khiến con người ta mãi lún sâu vào trong tội lỗi, vô luân. Nó sẽ nhấn chìm chúng ta, và chúng ta có cố gắng vẫy vùng để thoát ra thế nào thì tất cả đã quá muộn màng. Như chính các nhân vật trong tiểu thuyết đã tôn thờ Mitsuko như Quan Âm Bồ Tát, và cuối cùng họ đã lún sâu trong cát, mãi mãi không thể cứu vãn.
3. Như tôi đã nhắc đến ở trên, viết về chủ đề cấm kỵ, có phần bệnh hoạn thế này là một công việc hết sức can đảm đối với người nghệ sĩ. Điều đó thực chất không chỉ can đảm mà còn nhọc nhằn. Sự nhọc nhằn ấy chính là ở hình thức thẩm mỹ mà nhà văn cần lựa chọn để truyền tải câu chuyện của mình. Tanizaki đã thành công trong điều đó.
Thứ nhất, Tanizaki đã tạo được nhịp điệu trần thuật cho câu chuyện của mình: những sự việc dồn dập, nối tiếp nhau, xô ngã nhau như những viên domino, dày đặc những cú cua ngoạn mục khiến người đọc không thể dừng lại ở bất kỳ phút nào, hoàn toàn phù hợp với những đam mê mãnh liệt trong tâm hồn của các nhân vật.
Thứ hai, nhà văn đã viết nên cuốn tiểu thuyết này với kết cấu truyện lồng truyện, thông qua một nhân vật kể (hay tự thú) với một nhân vật khác về một câu chuyện mình. Cách kể này góp phần tạo nên sự bí bách trong cảm xúc, thể hiện rõ nét những sự dằn vặt, giằng xé trong tâm hồn của chính nhân vật Kakiuchi – như cô vẫn luôn bị giam giữ trong một chiếc lồng sắt của riêng mình.
Và điểm sáng cuối cùng trong hình thức thẩm mỹ của Chữ Vạn nằm ở ngôn ngữ kể chuyện và giọng điệu của nó. Để viết về một chủ đề khó nhằn như thế, thì ngôn ngữ biểu đạt cũng phải đạt đến trình độ nghệ thuật cao độ, nếu không nó sẽ không tạo được rung cảm, dễ trở nên nhàn nhạt hoặc bị phê phán là tiểu thuyết đồi truỵ. Thế nhưng, bằng tài năng ngôn từ của mình, Tanizaki đã nhặt lấy từng khoảng đen tối lấp nơi tâm hồn con người để tái tạo nên những trang viết sắc như dao cạo. Giọng điệu hài hước, dí dỏm, duyên dáng khiến cho người đọc không cảm thấy ghê tởm với câu chuyện mà trái lại còn bị lôi cuốn vào nó. Tiếng cười chua cay vang lên trên trong Chữ Vạn như một sự mỉa mai rằng những mặt xấu xa, đồi bại ấy luôn ở đó, và chúng ta không nên giấu nó đi hay phủ định nó.
4. Những tác phẩm của Tanizaki Junichiro, sinh thời, từng có thời gian không được công nhận vì nó quá táo bạo. Nhưng đến thời đại ngày nay, chúng ta đã có thể nhìn nhận lại những trang viết của ông một cách nghiêm túc, và khẳng định giá trị bất hủ của chúng cho đến ngày nay. Không chỉ Chữ Vạn mà còn cả những tác phẩm khác nữa.
Vì con người chúng ta luôn cần những nhà văn như ông, hay nói đúng hơn, chúng ta luôn cần một tấm gương, để có thể thấy mình xấu xí và độc ác đến nhường nào.