Khi tôi đón nhận quyển Chuyện đời xưa do cụ Trương Vĩnh Ký cất công biên soạn, tôi nhận ra đó không phải là một thứ văn thơ cao sang tột bật gì cho cam. Đó đơn giản là một thức quà giản dị của ông dành cho dân Nam kì lục tỉnh.
Những ai một thời đọc truyện tiếu lâm Việt Nam hay một thuở cười hô hố khi đọc những quyển truyện nói Trạng hồi xưa hẳn sẽ thốt lên câu: “ Nó đây chứ đâu” khi bắt gặp những cốt truyện quen quen trong quyển sách này. Cụ Trương Vĩnh Kí, về mặt chữ nghĩa trong cuốn này, phải công nhận cụ là bậc thầy trong cách nói cũng như cách dùng phương ngữ Nam Bộ. Ta bắt gặp hàng chục từ, ngữ vựng mà bấy lâu nay, theo bản năng hay nghe từ ông bà ta nói. Đơn giản, đó là tiếng An nam ròng. Xài từ cao sang vậy chứ thiệt ra miền Nam có sao nói vậy. Nó đơn giản, dễ hiểu và thân quen trong lối nói chuyện sinh hoạt của bao nhà.
Nếu kể công truyền bá các mẫu chuyện tiếu lâm, cổ tích và những câu chuyện đời xưa kể trên, xin mạo muội nhắc lại tên một hoạ sĩ truyện tranh đã sống bền lâu trong tâm thức những đứa trẻ thuở 8x, 9x chúng tôi. Họa sĩ Kim Khánh. Có lẽ chưa bao giờ văn học Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới như thời bấy giờ. Văn chương có thể khó tiếp cận những đứa trẻ vì bị chê dông dài. Kim Khánh đã giải quyết điều khó khăn đó qua một cách kể vô cùng sáng tạo: truyện tranh. Những bức tranh ngộ nghĩnh và những mẩu chuyện cô đọng khiến lũ con nít chúng tôi khó quên được những bộ truyện Cổ tích nước Nam, Trạng Quỳnh, rồi những mẩu chuyện cổ tích trên thế giới. Tất cả đã sống lại qua nét vẽ thiên tài của Kim Khánh, giúp chuyện dân gian nước nhà ngày càng phổ biến không chỉ trong sách đọc học đường mà còn qua những cuốn truyện bé xíu mà hết sức hấp dẫn. Có lẽ một phần nhờ ông mà những câu chuyện hài hước ấy vẫn in sâu trong đầu và khó lòng quên được.
Ngoài truyện tranh của hoạ sĩ Kim Khánh còn phải kể đến công không nhỏ của bộ phim Cổ tích Việt Nam. Lại một lần nữa hoan hô điện ảnh nước nhà vì chưa lúc nào người dân Việt Nam lại mê phim nội địa đến vậy. Thời ấy một số chiếu trên truyền hình, một số mướn băng từ về coi. Lối diễn xuất xuất thần của các cô chú nghệ sĩ như Mạc Can, Hữu Châu, Hữu Nghĩa, Phương Dung… một thời dậy sóng điện ảnh nước nhà vì sức hấp dẫn khó cưỡng của những tập phim nhỏ nhỏ ấy. Mỗi phim một chuyện, mà chuyện tôi nhớ nhất có lẽ là Chàng rể thong manh. Phim do các cô chú người Bắc đóng nhưng lồng tiếng trong Nam, và tất nhiên là có kết cục anh thong manh mắc cục xương xong vợ gõ đầu cái sáng mắt, chứ không dừng lại ở khúc rể ta quáng mà đánh trúng bà già vợ.
Đấy là những thước phim dĩ vãng, giờ có lẽ khá xa lạ với đám trẻ bây giờ. Nhưng mỗi lần đọc quyển Chuyện đời xưa này thì y thinh rằng từng chút từng chút quá khứ lại ùa về. Sách tuy không chia ra thể loại cụ thể nhưng tổng hợp lại có thể phân thành các nhóm: truyện mẹo, truyện thằng khờ, truyện về cọp, và mấy mẫu linh tinh lang tang trong thế giới loài vật. Vì đây là phương ngữ miền Nam nên với tôi cũng không có gì lạ vì nó ăn vào nếp sống rồi, đôi chỗ lạ vì là từ cổ không xài nữa. Nhưng có lẽ sẽ khó khăn cho các bạn đọc miền khác vì từ địa phương khá nhiều
Tuy là góp nhặt nhưng những mẩu chuyện của cụ Kí thể hiện một phần nếp sinh hoạt Nam Bộ xưa. Cụ viết không kèm theo lời bàn để người đọc tự suy nghĩ và tránh những cái lỗi ấy trong đời, tránh áp đặt ý chủ quan như đa phần truyện tàu hay làm, mà nói thiệt là tôi không thích.
Đọc Chuyện đời xưa của cụ Trương Vĩnh Kí như một cái nâng niu nhẹ nhàng một Nam kì lục tỉnh chân chất mà hài hước, tuy nhiên cũng không ít những bài học sau tiếng cười mà tác giả đã tận tâm ghi chép lại cho người sau thưởng thức. Và đọc để thấy được sự phong phú từ vựng trong tiếng Việt ta, cụ thể là phương ngữ và văn phong miền Nam thời bấy giờ.