Đảo hoang là cuốn sách hay về ý chí quật cường và tấm lòng sắt son của người khai mở đất.
Đảo hoang là câu chuyện cuốn hút, được nhà văn Tô Hoài phóng tác từ Sự tích dưa hấu. Với nền truyện thân thuộc, bằng ngòi bút tinh tế, sắc sảo, bằng tình yêu quê hương đất nước nồng cháy, Tô Hoài viết lên một tác phẩm sống động, chân thực, ấm áp đến lạ lùng.
An Tiêm nhận lệnh vua, ra trấn vùng nước cả. Bằng tài năng, đức độ, ý chí gan góc, An Tiêm thuần hoá được con sông Cái dữ dằn, lập vùng Bãi Lở trù phú, tốt tươi. Tác phẩm mở đầu bằng chiến thắng giòn giã của dân Bãi Lở trong ngày hội đầu năm tại kinh đô. Đây là những trang viết thật thanh bình, thắm đượm hương vị say nồng của truyền thống dân gian.
Chẳng ngờ, chưa kịp lĩnh thưởng báo công, An Tiêm bị gian thần li gián, khiến vua cha hiềm nghi, ban lệnh lưu đày. Vài ngày lương thực, đảo xa hoang vắng, không bóng người, không vũ khí, chẳng hạt giống, khí hậu khắc nghiệt… tất cả đều là thử thách khiến người kiên gan nhất cũng khó tránh khỏi nản lòng. Là chàng trai mạnh mẽ, “lớn lên giữa hiểm nghèo” “trong cái chết mà không chết, thì cái sống phải mạnh”, cùng bản năng sinh tồn, sự sáng tạo vô giá, An Tiêm đã trở thành chỗ dựa vững vàng cho gia đình.
Từ việc uống nước đọt cọ, ăn rau rừng cầm hơi, nhờ bàn tay, khối óc, ý chí mạnh mẽ, gia đình An Tiêm đã có một cuộc sống nề nếp, đủ đầy, thuận theo tự nhiên dẫu lòng vẫn đau đáu hướng về quê cha đất tổ.
Mon, cậu con trai lớn của An Tiêm cũng được Tô Hoài ưu ái xây dựng những đức tính sáng ngời. Mon thông minh, tháo vát, nhân hậu và ấm áp. Tình cảm Mon dành cho anh em nhà Gấu là tình yêu đầy bản năng, khiến tôi cảm động và mến phục. Hình ảnh nàng Hoa trào nước mắt vì “đến nửa đời người, bây giờ mới được trông thấy hạt cơm” khiến tôi rưng rưng xúc động.
Cốt nền của câu chuyện chẳng thể nào thay đổi, viết về phiêu lưu trên hoang đảo cũng không phải là đề tài mới, thế nhưng, Tô Hoài đã làm thật trọn vẹn. Đọc Đảo hoang, người đọc thấy một câu chuyện đậm nét dân tộc Việt, thấy ngân vang mãi khúc hát ngợi ca nghị lực, tầm vóc những người tiên phong mở mang bờ cõi, những “phên giậu” sống của quốc gia, thấy một câu chuyện Sự tích dưa hấu không còn là truyền thuyết mà rất thực, rất đời…
Hồng Khánh