Đi qua hoa cúc

Bạn hãy đọc “Đi qua hoa cúc” vào một buổi chiều buồn, bởi từng câu chữ cứ thế dễ dàng len lỏi vào tâm hồn, dễ dàng mang bạn trở về những ngày xưa cũ để thăm thú làng quê bình dị, để nghe ai đó tâm sự mà lòng cứ thổn thức một nỗi buồn xa xăm.
Bằng những lời văn mộc mạc, giản dị, theo chân nhân vật Trường đi đến từng ngóc ngách của tuổi thơ, khám phá từng câu chuyện cũ kỹ, và qua đôi mắt của cậu, cảnh vật nơi làng quê ấy hiện lên sao thật sinh động, nên thơ, những trò chơi, những khóm tre, bờ dậu, những hình ảnh ngày nào cứ thế hiện rõ mồn một trong tâm trí độc giả bằng những ký ức tưởng chừng đã phai nhòa theo năm tháng.
Trường là một cậu bé mang những nét đặc trưng của cái tuổi mới lớn, cái tuổi bồng bột nhưng đồng thời tâm hồn cũng dễ dàng bị lay động bởi âm hưởng dịu dàng của tình yêu. Cái tình yêu ấy đến không báo trước, len lỏi vào trong trái tim non nớt của cậu, bởi màu vàng hoa cúc, bởi đôi mắt, giọng nói và nụ cười. Tình yêu ấy Trường trao tặng chị Ngà bằng cả xúc cảm dạt dào, bằng cả tấm lòng chân thành nhưng nào ai hay biết, chỉ có cậu đêm ngày ngơ ngẩn, mang tâm tư gửi gắm vào màu hoa cúc rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời. Nghịch lý là khi người con gái lại dễ dàng lạc vào những góc khuất, những cạm bẫy bí ẩn của tình yêu, để lòng Trường cứ đau đớn, dằn vặt. Mối tình giữa anh Điền và chị Ngàn làm Trường trở nên nóng vội và ích kỷ, nhưng đó là sự ích kỷ của trái tim bị xé nát, tàn nhẫn, đó là sự phản kháng của con người khi nhìn người mình thương rơi vào vòng tay của người khác. Sau tất cả, Trường vẫn tốt bụng như chính bản chất đẹp đẽ của cậu.
Cái nỗi buồn trong “Đi qua hoa cúc” không phải là nỗi buồn vồ vập, ồ ập như cơn mưa giông vội đến, vội đi mà đó là cái nỗi buồn cứ nhẹ nhàng phảng phất mà in đậm vào trong tâm trí, thấm sâu vào trong tâm hồn. Tác phẩm mang đến hương vị ngòn ngọt, ấm áp nhưng rồi khi hương vị dễ chịu ấy qua đi là dư vị đăng đắng cứ thế đọng lại, làm người đọc cứ thế nhớ mãi. Qua mỗi trang sách, nhà văn lại gửi gắm những tầng ý nghĩa sâu sắc, là những bài học, là những chia sẻ để người đọc tự đánh thức bản thân mình, hay đơn giản để độc giả hòa vào những dòng cảm xúc dạt dào trong câu chuyện. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã tuyệt vời như thế, bác không chỉ viết cho trẻ con, mà còn viết cho tuổi mới lớn, tuổi trưởng thành, viết cho những con người đã, đang, và sẽ yêu.