Đồi thỏ – Richard Adams

Đồi thỏ
Đối với tôi, một tác phẩm văn học hấp dẫn là một tác phẩm khiến bạn đọc cuốn hút từ trang đầu tiên cho đến tận trang cuối cùng. Nó đủ sức lôi kéo đọc giả từ thế giới hiện tại bước vào tiểu vũ trụ trong những trang sách. Và cuốn “Đồi thỏ” của Richard Adams đã đạt được điều đó.
Nếu chúng ta để ý thì sẽ thấy đa phần những tác phẩm viết cho thiếu nhi thường có dung lượng không lớn. Riêng “Đồi thỏ” thì khác. Nó quả là một tác phẩm đồ sộ với những câu chuyện cực kỳ hấp dẫn không chỉ đối với những bạn nhỏ mà còn đối với cả người lớn nữa. Chính sự đồ sộ đó đã đem đến cho người đọc bao trang viết giàu ý nghĩa, dạt dào tình yêu đời, yêu cuộc sống, khao khát một cuộc đời yên bình, tươi đẹp, khát vọng chinh phục… Đặc biệt, người đọc sẽ có thêm nhiều kiến thức về loài thỏ đáng yêu.
“Đồi thỏ” đưa ta đến với thế giới của những chú thỏ đa tính cách như trong thế giới loài người. Chúng cũng có những tên gọi riêng để phân biệt: Cây Phỉ, Thứ Năm, Tóc Giả, Nồi Đất, Dâu Tây, Thạch Trúc…Chúng cũng được nhìn nhận với những phẩm chất như con người: Đa cảm, tài giỏi, lanh lợi, dũng cảm, tài trí…
Nhà văn đã đặt mình vào con mắt, cách nhìn, suy nghĩ của những chú thỏ cùng sự tưởng tượng phong phú để rồi kể lại chuỗi câu chuyện đầy kịch tính trong cuộc đời, nếp sống, quá trình gây dựng nòi giống của lũ thỏ. Những cánh đồng, trang trại, góc rừng… bỗng trở nên thật lạ, thật thú vị biết bao nếu ta đứng ở góc nhìn của những chú thỏ. Chiếc thuyền, con sông, những chiếc xe… tất cả đều trở nên thật lạ lẫm, thật đặc biệt với những con vật bé nhỏ. Đó cũng là chất keo kết dính sự quan tâm của người đọc vào cốt truyện.
Bạn có thể tưởng tượng rằng tác phẩm là một tấm mạng nhện khổng lồ, các sợi tơ vương vít chính là những câu chuyện đan lồng vào nhau. Ngoài câu chuyện lớn trong mạch kể chính thì còn hàng loạt những câu chuyện nhỏ được đan xen vào tạo nên sự kịch tính cho tác phẩm. Đó là câu chuyện của những người bạn lạ, của những kẻ thù, của những chú thỏ giỏi kể chuyện trong bầy đàn… Chúng sinh động như những hoạt động đời thường trong cuộc sống của con người, có khi còn kịch tính, hấp dẫn hơn rất nhiều.
Thật khó có thể dùng lời văn để diễn tả hết sự tài hoa trong cách kể chuyện đan lồng với quá khứ với hiện tại, vận dụng ngôn ngữ đối thoại tài tình, kết hợp với sự tưởng tượng vô cùng phong phú của tác giả. Có một điều thú vị là nhà văn đã chia sẻ “Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ thành nhà văn cho đến khi tôi thành nhà văn”. Cuốn tiểu thuyết tuyệt diệu “Đồi thỏ” của Richard Adams được phát hành lần đầu khi tác giả đã ở tuổi 52. Nhưng rõ ràng, ông xứng đáng là một nhà văn với cách viết lôi cuốn, bút lực dồi dào.
Có thể nói điều làm tôi ấn tượng nhất ở tác phẩm chính là những cuộc phiêu lưu vô cùng kỳ thú, tràn ngập sự nguy hiểm nhưng cũng kích thích sự phát triển khả năng nhạy bén của lũ thỏ. Bên cạnh đó, tôi còn say mê trước vẻ đẹp thiên nhiên nước Anh. Những góc rừng, những hàng cây, ngọn cỏ, con suối, hoa lá, cánh đồng, ánh mặt trời,… tất cả hiện lên đều thật đẹp, sống động qua lời văn giản dị nhưng không kém phần mượt mà. Thiên nhiên hiện lên thuần khiết, tươi đẹp như những bức tranh sơn dầu. Nó còn được tô phết bởi tình yêu thiên nhiên của một văn sĩ. Nó đủ khiến lòng ta êm ái, thư thái như nằm trên một đám mây bồng bềnh, lơ lửng.
Trong nền cảnh tươi đẹp, trong sợi dây phiêu lưu kéo dài cả mạch kể, chúng ta học hỏi và thêm thấm thía bao phẩm chất đáng quý của loài thỏ: Sự dũng cảm, kiên định, tính tổ chức, lòng yêu thương, sự đoàn kết, tính kỷ luật… “Đồi thỏ” quả là một bài ca hùng hồn về những vẻ đẹp tâm hồn mà tất cả chúng ta đều cần trau dồi mỗi ngày để cuộc sống thêm phần tốt đẹp hơn.
Đặc biệt, tác phẩm còn khiến tôi mê mẩn bởi những hình ảnh minh hoạ thật đẹp. Thiên nhiên trở nên gần gũi biết bao, những chuyến phiêu lưu thêm phần hấp dẫn biết bao qua những hình ảnh ấy.
“Đồi thỏ” là một bản trường ca tuyệt diệu về một giống loài đáng yêu. Qua thế giới ấy, ta học hỏi thêm được bao điều ý nghĩa.