Hang động

Bạn đã từng biết đến ngụ ngôn về cái hang của Platon chưa? Nó nói về việc có nhiều người sống như bị giam cầm trong một cái hang, họ chỉ biết đến cái bóng phản chiếu chính mình cho đến khi có người tìm được lối ra khỏi hang và nhìn thấy ánh sáng bên ngoài, nhìn thấy sự bao la của đất trời. Có thể hiểu nôm na hình ảnh cái Hang là nơi giam cầm con người tiến tới sự tự do.
Ngòi bút của Jose cũng mang đến cho ta những Hang động như thế: Hang động của một xã hội đang dần thay đổi, Hang động của một trung tâm đang phát triển và Hang động trong chính tâm hồn của mỗi nhân vật.
Algor là một ông lão chuyên làm đồ gốm truyền thống. Đứng trước sự thay đổi của nhu cầu hàng hóa, sản phẩm của ông trở nên lỗi thời và xưởng gốm đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Marcal, con rể ông Algor là một người bảo vệ an ninh tại Trung tâm. Anh làm việc nhiệt tình chỉ mong được vào biên chế, có một căn hộ tại Trung tâm để đón vợ, bố vợ và đứa con chưa chào đời vào sống, hòng mong một cuộc sống đầy đủ tiện nghi hơn.
Marta, một cô con gái biết điều, một người vợ thảo cũng trải qua những dằn vặt khi một bên là ở lại cùng làm đồ gốm với cha, một bên là đi vào trung tâm sinh sống cùng chồng.
Isaura, một người phụ nữ góa chồng, mong mỏi được vứt bỏ định kiến xã hội để thổ lộ tình cảm với Algor và sẵn sàng theo giúp đỡ ông trên chặng đường khó khăn phía trước.
Achado, một chú chó đi lạc trở thành nhân vật không thể thiếu của gia đình bé nhỏ đã nói ở trên.
hang dong
Hang động là một câu chuyện rất thật, rất đời thường. Tác giả lồng ghép những triết lý vào cuộc sống sinh hoạt bình thường của gia đình nhỏ bé này để ta cảm nhận được những ý nghĩa sâu hơn, rộng hơn của xã hội, của các mối quan hệ trong gia đình: cha con, bố vợ con rể, vợ chồng, thông gia….., mối quan hệ giữa những tầng lớp của xã hội. Mình khá ấn tượng khi lâu lâu tác giả lại thả vu vơ vài dòng bình luận thật khôi hài. Không phải đợi đến hết tác phẩm để rút ra bài học, mà đọc đến đâu lại thấy “đời” đến đó, ngẫm đến đó rồi gật gù.
Không thể phủ nhận sự khó chịu trong cách hành văn của tác giả. Tất cả những câu thoại đều viết hẳn trong một đoạn, phân cách bởi dấu phẩy và viết hoa sau dấu phẩy để đổi thoại. Nhưng khi đã quen với cách viết, tác giả sẽ đưa bạn “lạc trôi” hoàn toàn vào thế giới của Hang động và thấm thía từng câu chữ.
Cao trào cuối truyện cũng rất ấn tượng, mặc dù hình ảnh khi Algor khám phá ra mang lại một ám ảnh nhất định, khiến bạn nhìn lại chính mình và tự hỏi mình có đang tự nhốt mình trong Hang động nào không, hình ảnh ấy có phải chính mình của hiện tại đấy không?
Tác giả chọn nghề gốm để viết về câu chuyện Hang động rất tinh tế. Nếu bạn tìm hiểu thì chắc đã biết trong 1 số tôn giáo, con người được sinh ra từ bùn đất và sẽ trở về với tro bụi. Mọi thứ đều vô thường, hãy mạnh dạn bước ra khỏi Hang động, sống và đấu tranh vì lẽ phải, vì cuộc sống của chính mình.
Nếu bạn thích sống ảo bằng những câu triết lý thì đừng quên highlight khi đọc Hang Động vì bạn sẽ có 1 rổ status hay trích ra từ tác phẩm.
Thật sự thì có quá nhiều điều, nhiều bài học mà tác phẩm mang lại mình không thể nhắc hết. Chỉ là… hãy đọc và cảm nhận theo cách của bạn, như thế sẽ tuyệt nhất.
Xin trích 1 vài câu mình thích:
“Chúng ta phải sống với những gì ta đang có, chứ không phải với những thứ mà chúng ta có thể có hoặc đáng lẽ ra chúng ta đã có.”
“Chúng ta đã trở thành những tù nhân trong mạng lưới của cái gọi là quan niệm xã hội”
“Không phải mọi tin tức tốt lành đều tốt cho tất cả mọi người đâu con ạ”