“Khi hơi thở hóa thinh không” là cuốn tự truyện của bác sĩ Paul Kalanithi, người được chẩn đoán bị mắc ung thư phổi khi mới 36 tuổi, và qua đời chỉ hai năm sau đó.
Paul Kalanithi là con của một gia đình có truyền thống y khoa nhưng lại chọn nghiên cứu sinh học, triết học để tìm câu trả lời về bản chất con người và ý nghĩa cuộc sống. Sau khi nhận ra câu trả lời nằm ở y học, chàng sinh viên đam mê văn chương, với tấm bằng Thạc sĩ Văn học Anh và Cử nhân Sinh học cơ thể người đã quyết định chọn khoa Ngoại thần kinh (neurosurgery), với trung tâm là bộ não – bộ phận kỳ diệu nhất, mang tính chi phối nhất và cũng đầy bí ẩn nhất của cơ thể con người – làm hướng đi cho mình.
Tác giả đã dẫn dắt người đọc qua các cột mốc quan trọng trong cuộc đời làm bác sĩ cho đến khi chính ông là người khoác lên mình chiếc áo bệnh nhân, thực sự ở vào vị trí của những người mà ông đã từng cứu sống, và cả những người không qua khỏi.
Tôi ngưỡng mộ cái cách mà bác sĩ Paul Kalanithi nhìn nhận công việc của mình như một sứ mạng thiêng liêng trong cuộc đời, một nhiệm vụ cao cả mà ông luôn luôn cố gắng không ngừng nghỉ để bước tới những nấc thang cao hơn của ngành y. Ngày ngày phải trực tiếp đối diện với sự sống và cái chết cùng những lằn ranh mỏng manh của nó không khiến cho Paul dửng dưng trước những người bệnh. Có thể việc thường xuyên chứng kiến cái chết khiến cho ông và những người đồng nghiệp trở nên bình tĩnh hơn trước sự ra đi của một người bệnh, nhưng chưa bao giờ Paul xem nhẹ điều đó. Ông nhìn nhận bệnh nhân của mình như một con người thực sự chứ không đơn thuần là một vấn đề cần giải quyết giống như một bộ phận y bác sĩ sau khi đã chai sạn với việc gặp nó mỗi ngày. Đối với ông, nhiệm vụ của một người bác sĩ chân chính không chỉ là cố hết sức mình giành giật lại sự sống của bệnh nhân từ tay tử thần. Trước khi ở vào vai trò của một bác sĩ nội trú, ai cũng là một con người. Mà con người thì không lạnh lùng và thờ ơ trước cái chết của đồng loại, dù đó là cái chết về mặt vật lý hay tâm lý. Ngoài những nỗ lực cứu sống người bệnh, Paul cùng đồng nghiệp có lúc đóng vai trò như sứ giả của tử thần, giúp cho người nhà chuẩn bị tinh thần trước cái chết của bệnh nhân. Đồng thời hỗ trợ bệnh nhân ở mức tối đa giúp họ ý thức được ý nghĩa của sự sống chứ không đơn thuần là tồn tại, giúp họ bảo toàn “nhân dạng” trong khi vật lộn với những đau đớn do bệnh tật gây ra.
Đáng tiếc một tâm hồn cao cả như thế lại mắc phải căn bệnh hiểm nghèo khi còn quá trẻ. Biết bao dự định, hoài bão còn đang hừng hực trong bầu khí quản, chỉ sau một khắc khi phát hiện các khối u ác tính mọi thứ bỗng trở nên vô nghĩa, vô nghĩa một cách lạ lùng. Thật khó khi nghĩ về cái chết khi người ta còn quá trẻ và tha thiết yêu cuộc đời này như thế. Nhưng Paul không có lựa chọn khác. Cũng giống với việc đôi khi ông phải thuận theo ý trời, tác thành cho một vài sự ra đi nào đó.
Cứ tưởng kết quả chẩn đoán như một lời báo tử, chấm dứt tất cả mọi thứ: hoài bão, dự định, gia đình, và toàn bộ cuộc sống nhưng chính bi kịch này lại mở ra một câu trả lời lớn lao hơn, vĩ đại hơn.
Sau khi đã có thể tiếp nhận căn bệnh của mình như một sự thật không thể chối cãi, Paul quyết định đi tiếp con đường mình đã chọn, đồng thời không ngừng tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi đã ăn sâu trong tiềm thức, dẫn dắt cuộc đời ông tới thời điểm hiện tại. Trong quá trình điều trị căn bệnh quái ác của mình, Paul vẫn luôn cố gắng cống hiến cho sự nghiệp y khoa bằng cách thực hiện các ca mổ thần kinh, đồng thời tham gia vào quá trình điều trị cho chính mình, mang lại những đóng góp cụ thể cho ngành y.
Cho đến khi khoác lên mình chiếc áo bệnh nhân, Paul đã có thể thực sự sống trong thế giới của họ: “Khi được chẩn đoán mang bệnh nan y trong người, tôi bắt đầu nhìn thế giới qua hai lăng kính, tôi bắt đầu nhìn cái chết trong cả hai vai trò bác sĩ và bệnh nhân.” Điều này không chỉ giúp ông thấu hiểu sâu sắc về nghề nghiệp mà còn gợi mở câu trả lời về bản chất con người và ý nghĩa cuộc sống mà ông tìm kiếm bấy lâu.
Khi người ta không còn sợ hãi cái chết, dám nhìn thẳng và chấp nhận vấn đề, mà cụ thể ở đây là sự chết, người ta sẽ tự thấu tỏ nhiều khúc mắc tưởng chừng sẽ chẳng thể giải đáp nổi. Cái cách mà bác sĩ Paul sống những ngày cuối cùng của đời mình đã cho tôi thấy rõ điều đó. Vừa đấu tranh với tử thần, cũng không quên sống, sống một cách thực sự và trọn vẹn, như một con người.