Không Gia Đình – Hector Malot

khong gia dinh

“…Hóa ra hai năm qua chỉ là một chặng thời gian đỗ tạm. Bây giờ lại đến lúc lên đường.
Nhưng thời gian đỗ tạm này có ích cho tôi. Nhờ nó tôi đã khỏe lên. Và có cái đáng quý hơn sự rắn chắc của chân tay nữa, đó là tình yêu thương tôi cảm thấy ở trong lòng.
Tôi không lẻ loi ở trên đời nữa.”

Đó là những dòng tâm sự của Remi khi rời xa sự yêu thương, bao bọc, che chở, no ấm bên gia đình người làm vườn để bước đi trên con đường chính mình đã chọn, bên người đã dìu dắt và dạy dỗ cậu.

Remi là một cậu bé được má Berberin nhận nuôi và chăm sóc. Nhưng vì tai nạn của gia đình, cậu bé bị lão Barberin bán cho cụ Vitalis. Lúc này, cậu được cụ Vitalis nuôi dạy, cụ dạy cậu học chữ, dạy cậu đánh đàn và tập hát, dạy cho cậu lao động và luôn trung thực, rèn cho cậu sức chống chọi với khắc nghiệt và yêu lao động, yêu cuộc sống, luôn học hỏi từ xung quanh. Đặc biệt, cụ luôn yêu thương, và đối xử với cậu như chính con ruột của mình, khen thưởng đúng mức. Cuộc sống của cậu chỉ xoay quanh bên đoàn xiếc gồm ba chú chó và một chú khỉ. Thế nhưng, sự đói rét, cơ cực đã đẩy cụ Vitalis vào cái chết, chỉ còn một mình Remi và chú chó Capi đáng thương. Lúc này cuộc hành trình của Remi mới thực sự bắt đầu.

Nhờ những năm tháng học hỏi bên cụ Vitalis, Remi đã học được cách tự lập, lao động để kiếm sống và luôn biết ơn, yêu thương những người xung quanh, đặc biệt là những người đã từng giúp đỡ cậu. Nhưng cuộc đời chẳng bao giờ chịu để yên cho ai, cuộc sống của Remi bắt đầu những biến động lớn, buộc cậu phải tự mình xoay xở để vượt qua. Khi thì gia đình bác nông dân nhận nuôi cậu gặp biến, khi thì suýt bị chôn sống dưới hầm mỏ, lúc bị nghi oan, hay cả bí mật lớn về sự thật thân thế của cậu cùng những kẻ không mong muốn cậu tồn tại, luôn tìm cách hãm hại cậu. Thế nhưng, bằng những kiến thức kinh nghiệm học được, tình yêu thương, biết ơn và cả sự ham học hỏi đã giúp cậu thoát được và tìm được hơi ấm tình thương của gia đình mà bấy lâu nay cậu tìm kiếm.

Có thể nói, “Không gia đình” của Hector Malot là một câu chuyện nhẹ nhàng mà thấm đượm những giá trị nhân văn, tình yêu thương con người, sự biết ơn sâu sắc và giá trị của lao động. Tuy là “không gia đình” nhưng Hector Malot lại hướng tới khát khao có gia đình và hơi ấm, sự chở che, bao bọc của gia đình thông qua nhân vật Remi. Có lẽ, đây là một trong những thành công của Hector Malot khi chạm tới trái tim của bạn đọc, sự khát khao, ấp ủ của biết bao người xa xứ muốn tìm về cội nguồn, tìm về hơi ấm yêu thương. Ngoài ra, câu chuyện còn đem đến một điều hết sức ý nghĩa, đó là giá trị của lao động, niềm hăng say, vui vẻ và tự hào khi kiếm sống bằng lao động của chính mình, không phụ thuộc, ỷ lại vào ai, Remi tuy còn nhỏ tuổi đã ý thức được những điều đó, vậy còn chúng ta thì sao?
Tôi mong rằng “Không gia đình” của Hector Malot sẽ đem đến cho bạn nhiều hơn là một câu chuyện vượt khó của cậu bé Remi. Chúc mọi người có những trải nghiệm thú vị khi đến với cuốn sách.

Ngoài ra, các bạn có thể tìm đọc những tác phẩm tương tự giàu giá trị nhân văn của Hector Malot như: “Trong gia đình”, “Những người tình”, …

[Không gia đình]_So sánh một vài phiên bản.
“Không gia đình” là cuốn sách đã đưa tôi đến với dòng Văn học thiếu nhi. Có lẽ chính vì thế mà sau hơn 10 năm nhìn lại, tôi giật mình khi nhận ra mình có thể thuộc một vài trích đoạn, cũng như nhớ được hầu hết các chi tiết truyện.
Đã có rất nhiều bài review về cuốn sách đến độ nhiều người nhìn thấy tên sách là đã thấy mệt mỏi quay đi, mọi người thích nói về những cuốn sách mới mẻ ít ai nhắc đến. Tuy thế, đây đó trong các group sách vẫn có những câu hỏi xin lời khuyên nên mua bản nào. Trước đây, phần lớn sách Không gia đình lưu hành là bản dịch do dịch giả gạo cội Huỳnh Lý dịch, các phiên bản cũng không khác nhau nhiều. Gần đây, Đinh Tị phát hành 1 bản dịch mới, được cho là đầy đủ hơn bản dịch của cụ Huỳnh Lý, thế nên, nhân vừa đọc, vừa so 2 bản dịch, tôi xin đưa ra các điểm khác nhau bằng trực quan có thể nhận ra giữa một vài phiên bản mà mình có để các bạn có nhu cầu lựa chọn được một phiên bản ưng ý.
1: Phiên bản bìa mềm của Minhlong books: Bản dịch của cụ Huỳnh Lý, giấy ngà vàng. Đây là cuốn có tên PHIÊN ÂM. Bìa khá dịu mắt, cũng là 1 sự lựa chọn khá tốt bởi chất lượng tương đối ổn với mức chi phí phù hợp.
2. Phiên bản bìa cứng của Bestbooks: Nhà phát hành Bestbooks tuy mới chào sân nhưng lại có 1 số lượng bạn đọc khá đông đảo và nhiệt tình. Họ có thế mạnh của mình. Bestbooks bắt đầu bằng dòng sách kinh điển, làm toàn bộ BÌA CỨNG, kích thước đồng bộ, bìa nhìn BẮT MẮT, phù hợp với giới trẻ. Cuốn Không gia đình này cũng vậy, mình nhìn hình thức ưng mắt, bìa vẽ theo poster của phim chuyển thể, giấy đẹp, cũng có phần mở đầu của dịch giả va kết thúc bằng BÀI HÁT. Sách của Bestbooks nói chung và cuốn này nói riêng hay được ưu đãi trên Tiki nữa, do đó cũng có thị phần tương đối lớn dù vừa mới phát hành không lâu.
3. Phiên bản bìa mềm của Haidangbooks: Đây là cuốn sách tôi rất thích, giấy kem, ít lỗi chính tả, bìa sách cute hột me, sáng sủa, tone xanh mát mắt, phù hợp với dòng sách thiếu nhi. Đây cũng là phiên bản tôi thường mua nhất từ trước đến nay.
4. Phiên bản bìa mềm của Đinh Tị: cũng là phiên bản bìa mềm nhưng mình đưa xuống cuối vì có điểm đặc biệt nhất so với các phiên bản trên: đây là bản dịch mới toanh từ dịch giả Lê Việt Dũng, Đinh Tị cũng có bìa cứng (mình không có) nhưng không hiểu tại sao lại lấy lại cái bìa của bản dịch cũ, không tạo được ấn tượng mới mẻ. Dù sao thì đây cũng là 1 chiếc bìa dễ thương. Ấn bản 644 trang khổ sách lớn – dầy nhất trong các ấn bản, chữ và trình bày cũng rộng rãi hơn sách bản khác 1 chút. Đây được cho là “bản dịch đầy đủ, không cắt gọt, không phiên âm tên nhân vật, thể hiện trung thành với nguyên tác”. Trong khi so sánh, mình nhận thấy, đa số nội dung chính không thay đổi. Sự khác biệt ở đây là cách hành văn, nhìn chung các câu văn đều được diễn đạt chung ý khác lời. Đây cũng là một lợi thế của người dịch sau, mình tin rằng người dịch và ban biên tập có thời gian để đối chiếu, để diễn cho ý văn MẠCH LẠC hơn so với bản cũ. Tên nhân vật, tên địa danh được để theo tiếng Pháp, các đoạn văn tả cảnh chi tiết hơn và mình nhận thấy, phần chênh lệch số trang chủ yếu do cách diễn đạt chi tiết hơn và bổ sung thêm một số đoạn tả cảnh sắc. Sách khổ to, chữ to, trình bày đẹp, thoáng, chữ trên bìa DẬP NỔI, cầm chắc chắn.
5. Phiên bản bìa cứng của Đông A: Mình hơi ấm ức vì cái gáy của em này tone đen, cùng với Đỉnh gió hú bị lệch tone vàng so với các cuốn sách trong serries vàng sang chảnh. Cuốn sách nhìn sang, nền nã, cầm chắc tay, sách có một số hình MINH HỌA đen trắng, có BẢN NHẠC in ở cuối. Cuốn sách nhận được sự yêu mến của nhiều độc giả còn phụ thuộc nhiều vào uy tín của nhà phát hành.
Một vài ý kiến cá nhân của mình, mong là hữu ích cho các bạn. Bạn đã chọn cho mình phiên bản nào rồi?