LINH SƠN – CAO HÀNH KIỆN

“Sự thật không thể vui tai, vừa lòng, sự thật ít nhiều vẫn buộc phải có phần gay gắt, nếu không thế thì sao mà nhìn được thẳng vào vận mệnh của bản thân cơ chứ”
Tôi không phải người nghiên cứu, cũng chẳng phải độc giả xuất sắc gì, cũng vì thế mà tôi cứ thư thả đọc Linh Sơn như một kẻ thong dong ngồi giữa thiên nhiên mà ngắm cảnh vật đổi thay từng mùa. Đúng tròn 1 tháng từ ngày mở những dòng đầu tiên của dịch giả với câu “Một đời chẳng bằng cái quái gì nhưng chẳng cái quái gì bằng một đời. Phải chăng vì cái chí quyết sống? Ngay trong lúc vất vưởng tìm ý nghĩa sống cũng mang cái chí lớn ấy đi cùng”, và ngày cuối cùng đi qua câu “Đường thì không lầm. Lầm là người đi đường”, hành trình của tôi với Linh Sơn lúc này có thể lầm đường, nhưng tôi nghĩ rằng, những ngày “vất vưởng tìm ý nghĩa sống”, đọc Linh Sơn ở góc nhỏ nào đó, ít nhất tôi cũng đã đi trên một con đường mà tôi không cảm thấy nuối tiếc giây phút nào.
Linh Sơn là hành trình mang hình bóng các tác phẩm văn học khác
Con đường dài với Linh Sơn dẫn tôi qua những tâm tưởng ký ức của những gì đã đọc trước đó. Tôi thấy phảng phất đâu đó Cô độc của Uông Triều với 2 tuyến nhân vật song hành Ta-Mi và những tập bản thảo dang dở. Tôi gặp lại Đới Tư Kiệt của Vào một đêm không trăng với quá khứ – lịch sử – Dân quốc – cải cách văn hóa, những chuyện đau lòng của những người đi qua thăng trầm của đổi thay. Đâu đó từ những dòng đầu tiên tôi bỗng nhớ Lỗ Tấn với câu nói kinh điển “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường.Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Hoặc đơn giản, tôi thấy Trịnh Công Sơn mà tôi trân quý trong câu “Các kỷ niệm đều rất quý. Đúng thế. Đôi khi quên chúng đi lại là giải thoát”. Và ở một Linh Sơn hoàn toàn không liên quan gì với Lạc lối về của Heinrich Boll, thế nhưng cảm giác khi chạm phải từng câu chữ “Có cũng về, không cũng về, đừng ở bên sông gió lạnh thổi”, cảm giác dù cô đơn – đau đơn – lạc lối cũng luôn giữ một nơi để “trở về” của Lạc lối về quay trở lại trọn vẹn trong từng hơi thở để cảm. Tôi nghĩ có lẽ ngoại trừ những cái quá siêu hình – vĩ đại của Linh Sơn mà không thiếu người ngồi vạch ra, dẫn chứng, lột trần ra; thì với tôi – cái gợi tưởng mà Cao Hành Kiện đem lại đã đủ để tôi biết tại sao Linh Sơn là tác phẩm vĩ đại.
Linh Sơn mang đến cho người đọc cảm giác cô độc đến cùng cực mà tôi chưa bao giờ thích được. Nó được bộc lộ trong chặng đường tìm Linh Sơn của Ta – Mi, trong những câu chuyện từ thuở hồng hoang được Ta – Mi thay phiên nhau kể cho những người con gái – đàn bà. Tôi vẫn luôn kỳ thị việc mang tính dục vào các câu chuyện, nhất là khi tính dục ấy để người ta chôn chặt cảm giác cô độc của bên ngoài. Linh Sơn vẫn khiến tôi bài xích sự “yếu lòng” của các nhân vật khi che lấp sự cô đơn bằng việc tìm kiếm đến bất kỳ thứ gì, bất kỳ giây phút nào để quên đi cái cảm giác vô hình – vô dạng của bản thân. Xét cho cùng, cái tôi mạnh mẽ của tôi chưa bao giờ khiến tôi cô đơn đến độ trở ngại, và để đi tìm – đi hiểu chút nào với sự cô độc rùng rợn đó.
Hệ giá trị tư tưởng của Trung Hoa và Linh Sơn
Linh Sơn được Cao Hành Kiện viết ra với đầy đủ những hệ giá trị từ thuở hồng hoang – đến cải cách văn hóa – sự du nhập của Tây Âu vào Trung Hoa. Chặng đường đi tìm núi hồn – Linh Sơn đặc tả những giá trị đó qua từng chương, len lỏi qua những điều rủ rỉ của Ta và Mi. Một hành trình dài đi tìm lại bản chất của một thứ to lớn hơn là cá nhân. Hình ảnh của Nữ Oa, của Phục Hy, Mãn Thanh …cho đến tận Cách mạng văn hóa, Ngũ Tứ và cả “Áo măng – tô len mới chất lượng tốt…trông giống cán bộ đi tham quan nước ngoài”. Cách Cao Hành Kiện để Ta – Mi độc thoại hơn nửa cuốn sách, bỗng gặp nhau trong cuộc đối thoại như Ego – Igo của mỗi người. Cá nhân đi đến tập thể, độc thoại đi đến đối thoại để trình chiếu cho người đọc những gì là biểu tượng, di chỉ, ký ức, văn hóa và lịch sử của một đất nước rộng lớn với những giá trị: tốt – xấu đều tồn tại đến giờ.
linh son cao hanh kien
Hơn hết cả Linh Sơn vẫn là cuốn sách đáng đọc nhiều lần
Nếu hỏi tôi rằng Linh Sơn dễ đọc không, tôi nghĩ có, bởi những chuyện vụn văt cứ nhẹ tênh như cách Nàng đi tìm Mi một cách ngẫu hứng, và nói những câu chuyện vu vơ về chìa khóa, về việc đàn ông – đàn bà thì cũng như nhau cả thôi. Linh Sơn có khó đọc không? Rất khó đọc nếu đi sâu vào từng quan điểm – nhân sinh mà Cao Hành Kiện muốn truyền tải. Chưa kể, dù tiếp cận tác phẩm theo cách nào thì người đọc cũng ngã ngửa với cách Cao Hành Kiện dùng hẳn một chương để phân định về tiểu thuyết – về nội dung tiểu thuyết – về cái văn chương, ngôn từ, rồi quay ngoắt và chốt hạ rằng “đoạn này đọc cũng được, không đọc cũng được”. Ông đưa người đọc lạc lối trong những mụ mị của tình cảm, những câu chuyện về những người đàn bà hận đời – hận đàn ông, để cuối cùng vẫn là những “ngủ yên trong vòng tay” và câu yêu thương giữa Ta – nàng. Ông nhét những bất mãn, những điều đau đơn của Cách mạng văn hóa giữa những câu chuyện đó, những con người trốn chạy khỏi ác mộng, rồi ông bỏ mặc đó – quay ngoắt độc giả về câu chuyện của từng cá thể. Đọc Linh Sơn vì thế vừa khó cũng vừa dễ, tùy theo cách bạn hưởng thụ tác phẩm theo cách vi mô hay vĩ mô. Còn với tôi, gấp cuốn sách lại tôi thấy mình vẫn yêu Linh Sơn bởi ngôn ngữ như một bản trường ca – có lúc hào hùng, lúc bi thảm, lúc dịu dàng. Từng câu Cao Hành Kiện viết ra tôi tận hưởng như âm nhạc, có lúc vì lời hay, có khi vì nhạc, hoặc vì một nốt trầm đúng thời điểm.
Nói cho cùng, văn chương vẫn luôn là thứ để tận hưởng độc lập. Nếu thích, cứ mạnh dạn đọc Linh Sơn, bởi dù có nghĩ mình hiểu hay không, Cao Hành Kiện vẫn đem lại cho người đọc cảm nhận đẹp với một tác phẩm, và cảm giác hiểu được rằng tại sao ông lại đoạt Nobel:
“Lúc này ta không biết ta đang ở đâu, ta không biết ở thiên đường, cái mảnh đất này nó từ đâu ra. Ta vọng nhìn bốn phía. Ta không biết rằng ta chẳng hiểu gì hết, mà cứ lại cho rằng ta hiểu hết tất cả. Sự việc xảy ra sau lưng ta. Luôn có một con mắt bí ẩn, ta chỉ còn cách vờ là hiểu hết cả.
Vờ ra nhưng cần hiểu thì lại đều chẳng hiểu.
Ta thật tình cái gì cũng không hay, cái gì cũng không hiểu.
Là như thế đấy.”