Tôi dành trọn một ngày thứ bảy cho hai quyển truyện dài “Cho trận gió đông & Khung rêu” của nhà văn NGUYỄN THỊ THUỴ VŨ. Nhà văn được giới thiệu trang trọng trên trang bìa quyển sách rằng bà là một trong năm nữ nhà văn nổi tiếng nhất của niềm nam trước năm 1975.
Thỉnh thoảng ở tuổi 40, tôi bắt đầu hiểu vì sao ngày xưa trong mỗi gia tộc phải có người ngồi chép lại gia phả. Tại sao chúng ta cần phải viết, phải ghi chép lại chuyện của ông bà, cha mẹ, của hàng xóm láng giềng mà ta còn có thể nhớ.
Tiểu thuyết, dù là của bất cứ nhà văn nào thuộc về đất nước nào, cũng chính là những trang chữ được ghi chép cẩn thận và phản ánh một sự trung thực, khách quan, chi tiết một phần cuộc đời của một thế hệ đã sống. Tuy rằng tiểu thuyết luôn được xem là “con chữ” được viết bởi sự tưởng tượng, nhưng tôi nghĩ rằng đó chỉ cách nói giúp “bảo vệ” tác giả . Bởi lời nói thật, con chữ thật có khả năng xé toạc trái tim của bất cứ người thân nào. Bởi sự thật dù con người ở hiện tại hay song cách đây hơn 100 năm thì chẳng có ai muốn nhìn thẳng vào sự tàn khốc, khổ đau, đơn độc…của kiếp người.
Và nhà văn Nguyễn Thị Thuỵ Vũ đã trình bày trong trang đầu của quyển Khung Rêu rằng: ” Tiểu thuyết là tưởng tượng, ai cũng viết vậy, nhưng có tưởng tượng nào không bắt nguồn từ một phần sự thật? Sở dĩ tôi trình bày như vậy, là để xin những người thân thích của tôi, nếu có tình cờ nào đọc quyển truyện này, hãy rộng long tha thứ cho tôi”.
Buông cả hai quyển sách của bà, đọc trọn vẹn chúng với tất cả sự tò mò về một góc cuộc sống của những nhân vật từng sống ( tôi nghĩ vậy) ngày xưa, tôi tin 100% bà đã viết rất chân thật và không cố tình tô vẽ tưởng tượng.
Tôi thích cách viết của nhà văn Thuỵ Vũ. Bà như là một người kể chuyện chậm rãi, không cố tình làm khó cho người đọc bởi câu chữ trúc trắc bóng bẩy , không tô hồng tô đỏ một nhân vật theo kiểu phải có nhân vật tốt, phải có nhân vật xấu. Bà không dìm một nhân vật nào xuống tân bùn đen để độc giả nhận ra đó là kẻ tiểu nhân, xấu xa cần phải chết đau chết đớn hay phải trả giá bởi luật nhân quả vv…vv…
Trong cả hai truyện dài này của bà, có rất nhiều tuyến nhân vật mà tôi có cảm giác ai cũng là nhân vật chính. Vì mỗi cuộc đời con người đều chính là một câu chuyện “ tiểu thuyết”. Không ai tốt, chẳng ai xấu, vì xấu tốt bất hạnh, may mắn …trong mỗi cuộc đời ở mỗi giai đoạn đường đời tất cả chúng ta … đều nếm trải đắng cay ngọt bùi, yêu thương, oán ghét.
Với một người được sinh ra ở năm 1977 như tôi, thì khi đọc hai quyển tiểu thuyết này tôi có một niềm vui be bé …khi thấy một số từ ngữ thân quen mà hồi nhỏ mình từng nghe như: Đậu chến ( đi đánh bài), đi lút ( đi mất biệt), làm bộ làm tịch, nếu có hưỡn (c ó rảnh), sớt đứa nhỏ ( dành bế một em bé),….Và hơn thế nữa đó là một người từng lớn lên ở “khu lao động” những năm 80- 90, tôi hiểu nhà văn Thuỵ Vũ không có tưởng tượng về các nhân vật như Đồng, Nguyệt, Ngỡi, Tư Bân, Tư Búp trong chuyển “ Cho Trận Gió Kinh Thiên”.
Tôi khá thích quyển Cho Trận Gió Kinh Thiên hơn quyển Khung rêu. Thích vì tôi cứ như được xem lại ngày xưa , xem các cuộc chém lộn, chửi nhau, đánh nhau ở con hẻm 396, kho năm cảng sài gòn, quận 4 nơi tôi đã được sinh ra và lớn lên.
Tôi cũng từng tự hỏi vì sao cô chú ở trong con hẻm phía sau lưng nhà ba mẹ tôi ngày nào cũng đánh nhau, chửi nhau. Cô vợ luôn gọi chồng bằng danh từ “Thằng chết bầm”, anh chồng thì âu yếm gọi lại cô ấy là “ Con chó”. Tôi cũng biết có một cô hàng xóm luôn đi từng nhà trong xóm để tọc mạch và kể chuyện nhà khác. Cô ấy như là một trang tin tức lá cải, giựt gân, và kênh cung cấp thông tin ai sống, ai chết, ai giựt chồng, ai giựt nợ, ai lăng loàn….của cả hẻm. Tôi cũng có những ký ức đầy sống động và hạnh phúc vô ngần đó là bị đánh thức giữa đêm khuya bởi tiếng chạy thình thịch trên mái tôn nhà tôi như thể có vật thể lạ, dĩa bay đáp xuống mái nhà, do hai gã đàn ông trong xóm chém nhau đã rượt nhau chạy trên cả nóc nhà của gia đình tôi. Tôi nhớ mình hạnh phúc, không phải vì được coi đánh nhau, mà hạnh phúc là đúng hôm ấy tôi đã thức dậy để học bài cho hôm sau có kiểm tra một tiết mà tôi thì luôn luôn không thể được đồng hồ báo thức.
Tôi nhớ cả cái xóm mà nhà ai cũng có người mê bài tứ sắc, mê đánh đề, và mỗi lần nhà nào chén dĩa bị đập rổn rảng, con cái và vợ chồng chửi nhau, khóc than kể lể…thì đều do thua bài thua đề hay có kẻ nào đó đã chôm chỉa tiền bạc, đồ dùng trong nhà đi cầm bán.
Tôi nhớ nhiều lắm và …ngoài nỗi nhớ thì tôi nghĩ rằng nếu bạn muốn chiêm nghiệm về cuộc đời của những con người từng sống cách mình mấy chục năm, những người có thể bằng tuổi với ông bà, cha mẹ mình…thì hãy đọc những trang viết của nhà văn Thuỵ Vũ. Những nhân vật trong hai tiểu thuyết này cũng có những hình ảnh, câu chuyện như những điều tôi vừa kể cho các bạn nghe về xóm lao động nghèo tôi từng sống. Đó là một giai đoạn sau giải phóng, cuộc sống con người còn vất vả và mỗi con người đều khát khao vươn lên theo nhiều cách khác nhau…có đáng thương, có đáng trách và có cả đáng để chúng ta đọc chiêm nghiệm, thấu hiểu, chia sẻ lẫn học hỏi…
Những trang viết của tác giả Thuỵ Vũ rất nhẹ nhàng, đó là những con chữ được viết bởi một tâm hồn phụ nữ rất đẹp, rất truân chuyên những cũng rất đỗi lạc quan. Tôi tin 100% nhà văn Thuỵ Vũ phải rất lạc quan, rất nhiều yêu thương dành cho cuộc đời, cho con người, cho cả những con người có hoàn cảnh cuộc đời đặc biệt …
Hãy đọc hai tác phẩm này của bà và rồi tôi tin bạn cũng sẽ giống tôi…bạn sẽ mua tất cả tác phẩm của bà đã được in và phát hành.
Thật trân quý và cảm ơn bà, cảm ơn nhà văn Thuỵ Vũ đã ghi chép đã viết những tác phẩm này để tôi được hiểu thêm về những khó khăn và cả nghị lực của chính ông bà, cha mẹ mình. Tôi cũng được nhắc nhớ về tuổi thơ, về xóm của tôi ngày xưa, về một thời khó khăn nhưng cũng tuyệt đẹp vì tình làng nghĩa xóm rất đỗi ấm áp, đúng nghĩa cưu mang nhau mà sống, người với người sống để thương nhau