“Một Trăm Cái Bóng”, nói ngắn gọn, ấy là những câu chuyện lẻ tẻ, vụn vặt của những người sống và làm việc tại một trung tâm thương mại tồi tàn, xập xệ. Vẫn là một xã hội Hàn Quốc hiện đại đầy rẫy những lo âu và hiềm nghi, song trong câu chuyện này, những vấn đề trong xã hội ấy lại được thể hiện một cách khá mới lạ, thông qua một hình ảnh cũng mới lạ không kém – “cái bóng”. Người ta nói rằng, đừng đi theo cái bóng của mình nếu nó sống dậy, nếu không thì… sẽ chết mất, sẽ không thể chịu nổi được nữa mất.
“Một Trăm Cái Bóng”, cái bóng là gì nhỉ?
Cái bóng trong câu chuyện đại diện cho những áp lực, trách nhiệm, nhu cầu, nguyện vọng… mà mỗi người trong xã hội hiện đại ngày nay đang phải oằn lưng để đáp ứng. Đây là một liên tưởng khá thú vị. Cái bóng ở dưới chân ta, tưởng như chức năng của nó là đỡ lấy bước chân và gồng gánh hết các nhọc nhằn vất vả, cũng giống như câu hỏi “Bạn kiếm tiền để làm gì?” tất nhiên 90% câu trả lời sẽ đại loại như “sống vui vẻ, thoải mái” rồi đúng không? Đó là chức năng mà lâu nay phần lớn mọi người đều gán cho vật chất và tiền bạc, và rồi ti tỉ những thứ khác – phục vụ cho con người, nhưng có thực sự phục vụ ấy chỉ có một chiều nhất quán như vậy không, hay chính con người cũng đang bị đày ải bởi chúng? Việc ấy cần phải bàn lại, và “Một Trăm Cái Bóng” đã ngầm trỏ tới vấn đề này. Trong cuộc sống hiện đại với nhịp độ phát triển chóng mặt như hiện nay, con người bị ràng buộc bởi quá nhiều suy nghĩ, trách nhiệm, nhu cầu và áp lực. Tất cả những điều ấy được thể hiện qua hình ảnh ẩn dụ “cái bóng”. Rồi đến một lúc nào đó, khi tất cả những áp lực ấy vượt quá ngưỡng chịu đựng, “cái bóng” sẽ sống dậy, người ta không thể lờ đi sự đau khổ mà nó mang lại cho bản thân nữa. Nếu như chiến thắng cái bóng, ta vẫn có cơ hội để thay đổi chính mình, từ đó thay đổi cuộc sống, để có một cuộc đời tốt đẹp hơn; nhưng nếu như khuất phục cái bóng – bị nó dẫn dắt, đè nén, nuốt chửng, thì ta sẽ mãi mãi khổ đau và tuyệt vọng.
“Một Trăm Cái Bóng” rất ngắn. Từ trang đầu tới trang cuối là không khí u buồn, lưu chuyển một cách chậm chạp, mỏi mệt, việc diễn xuôi các đoạn hội thoại giữa các nhân vật càng làm cho câu chuyện trở nên lắng đọng hơn. Tuy nhiên đâu đó trong câu chuyện vẫn hiện diện ánh sáng và sự ấm áp. Mình cảm thấy đau lòng cho người đàn ông làm lụng vất vả quanh năm suốt tháng để con gái có thể có cuộc sống đủ đầy nơi xứ người, nhưng lại bị đối xử bằng thái độ xấc xược và hỗn hào, song cũng cảm thấy ấm áp vì vẫn có người lắng nghe và bất bình thay ông; mình vô cùng cảm động khi nghe kể câu chuyện về tiệm bóng đèn Omusa, rằng ông cụ ở cửa tiệm lúc nào cũng đếm dư một bóng đèn cho khách, để họ đỡ phải lặn lội tới tận Omusa quá thường xuyên… Mọi người đối xử với nhau, quan tâm và tốt đẹp như vậy đấy. Và mình đã đọc đi đọc lại câu chuyện mà My Jae kể cho Eun Gyo, về ngày anh còn bé, về người bố chịu thương chịu khó của anh, mình đọc đi đọc lại đến nỗi gần như thuộc lòng cả đoạn này rồi:
“Giờ nghĩ lại, thật không hiểu một người vừa vụng ăn nói vừa thiếu sót đủ điều như bố tôi đã buôn bán kiểu gì. Đang ngồi ăn dồi cùng tôi mà có người đi ngang qua là bố tôi vùng đứng dậy hỏi họ tìm gì hay có cần gì không. Hồi ấy, tuy còn nhỏ nhưng tôi đã rất bàng hoàng khi thấy bố mình chào mời khách như vậy, chốc chốc tôi lại òa khóc vì ghét thấy mọi người đi lướt qua giá bộ không nghe thấy những lời mời chào của bố. Bố thì giận lắm, quát tôi hư vì khóc mà không chịu nói lý do, nhưng chỉ là tôi cảm thấy rất đau lòng mà thôi. Chẳng hề biết tôi đau lòng, bố lại càng quát, tôi lại càng đau lòng càng khóc tợn, bố lại càng quát dữ hơn, rốt cuộc bố quay đầu đi, không nói với tôi một lời nào nữa. Đến nước đó tôi cũng chẳng thể khóc thêm, đành cứ thế đứng bên cạnh bố. Bố tôi mất, cũng lâu rồi, đáng lẽ những ký ức ấy phải phai mờ cả rồi chứ, vậy mà không, chúng cứ rõ mồn một khiến tôi không thể tách rời nơi này khỏi những tâm trạng ngày đó…”
Trong đắng cay, có ngọt bùi. Đó là cảm nhận của mình khi đọc xong “Một Trăm Cái Bóng”. Mỗi nhân vật có một câu chuyện riêng, nhưng dù có buồn cách mấy thì trong ấy vẫn luôn hiện diện ánh sáng và hi vọng của tình cảm con người. Mình thích cả những đoạn đối thoại giữa Mu Jae và Eun Gyo nữa. Tư duy của các nhân vật trong câu chuyện cứ là lạ, hay hay thế nào. Lúc mà Eun Gyo nói muốn ăn món canh vừa nóng hổi vừa thanh thanh vừa dễ chịu, xong sau đó Mu Jae đưa cô ra đảo để ăn canh ngao, đủ loại ngao, sò điệp, ngao mật, ngao vân nâu, ngao vân rẻ quạt… và cả lúc mà Eun Gyo lo sợ rằng Mu Jae đã bị cái bóng nuốt mất thì cô vẫn nắm chặt tay anh, kéo anh ra khỏi chỗ ấy, bởi lẽ, “Dù là xương thì cũng là xương của anh Mu Jae”. Vậy đấy.
Và thế là xuyên qua bóng tối và rừng cây, có lẽ cuối cùng Mu Jae và Eun Gyo đã chiến thắng được cái bóng chăng? Mình không chắc nữa, nhưng mình hi vọng là thế.
Hi vọng chúng ta đều có thể chiến thắng được cái bóng của chính mình.