Phần 1: Gió Đông
Mùa xuân là mùa khởi đầu của một năm, là lúc vạn vật trỗi dậy và sinh sôi sau một mùa đông dài đằng đẵng. Nói đến mùa xuân, người ta hay nói đến mưa xuân, hoa mai, hoa đào mà quên đi tín hiệu đầu tiên của mùa xuân- gió đông.
Gió đông là ngọn gió từ phía đông thổi tới, đi qua biển, mang theo làng mưa xuân phơi phới bay đánh thức sự sống của mùa xuân. Khi nhắc đến gió đông người ta thường nhớ tới cái độc tính của nó nhưng ít ai biết rằng con người gửi gắm bao tâm tư trong làn gió ấy.
Gió đông vô hình vô ảnh nhưng lại để những nét thanh tân, đẹp đẽ trong không gian xuân, tựa như màu trắng trong một bức họa vô sắc nhưng lại làm nên kiệt tác. Bởi gió xuân không chỉ mang lại những sức sống kì diệu mà còn nói được những điều sâu thẳm mà nắng, mưa và hoa không thể cất lên. Nét đẹp xuân sắc tươi trẻ của người con gái đồng hiện với sắc xuân bừng sáng được khắc họa chỉ trong hai câu thơ của Nguyễn Bính
Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Phải chăng gió đông mang mùa xuân ấm áp tới cũng giống như màu má nàng gieo khát vọng tình yêu và sự sống trong chàng. Một làn gió đông thôi mà gợi bao luyến ái, phong tình…
Người ta không thể nhìn thấy gió xuân nhưng có thể cảm. Gió xuân không thể cất lên lời ca nhưng có thể thấu hiểu lòng người. Có người đã từng nói với tôi: Muốn thấu hiểu một dân tộc có hai cách một là nhìn vào lịch sử, hai là nhìn vào văn chương. Khác với văn học phương Tây- nền văn học của những kẻ chinh phục thiên nhiên, văn học và con người phương Đông gần gũi, hòa hợp với thiên nhiên, thiên nhiên và con người tuy hai mà một. Con người và thiên nhiên như người tri âm, kỉ. Từng nghe làn gió đông như hiểu lòng người mà không nỡ làm tổn thương hoa mai mong manh:
Nghịch phong như giải ý
Dung dị mặc thôi tàn
(Mai Hoa- Thôi Đạo Dung)
Đây là thiên nhiên hay con người? Linh hồn con người giao hòa với cảnh. Phải chăng sau nhành hoa mai kia là hình bóng một giai nhân?
Ngọn gió đông vốn là nơi con người ta gửi gắm tình cảm, tâm tư, khát khao trùng phùng đến người thương nơi phương xa. Tại sao lại gửi gió đông? Bởi gió đông mang theo mùa xuân tới đánh thức niềm khát khao sống và yêu thương mãnh liệt của con người sau những tháng ngày héo hon, mòn mỏi của ngày đông giá. Bởi gió đông là tín hiệu của mùa xuân, mùa đoàn viên, thấy cảnh người người nhà nhà sum vầy, ai có thể không chạnh lòng nhớ người phương xa. Bởi gió đông mang theo hơi ấm và sự sống lan tỏa trong không gian như tình yêu thương, nỗi nhớ mong, khát khao được đoàn tụ của con người vô hình vô ảnh mà thiết tha. Gửi gió đông, gió mang sắc xuân tới nơi người thương mang cả tình yêu của ta đến sưởi ấm trái tim người.
Lòng này gửi gió đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi tới non Yên
(Chinh phụ ngâm khúc- Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm)
Gió đông như một người con gái xinh đẹp, dịu dàng nhưng lại quá trong trẻo và hồn nhiên. Bởi gió không chỉ chạm tới tình yêu và khát khao mà còn khơi gợi nỗi đau thầm kín, sự cô đơn, tuyệt vọng trong lòng người. Từng nghe nỗi niềm của người chinh phụ…
Đương quân hoài quy nhật,
Thị thiếp đoạn trường thì.
Xuân phong bất tương thức,
Hà sự nhập la vi?
(Xuân tứ- Lí Bạch)
Gió ơi, sao gió vô tình thổi tới? Gió đã làm trỗi dậy bao niềm khát khao mong nhớ và thổn thức trong tâm tử thiếpnhưng gió có biết gió đã khắc sâu vào nỗi buồn, sự cô đơn lạnh lẽo của thiếp trong thực tại.
Thơ ca không chỉ là lăng kính phản ánh sự thật mà còn là câu bút làm đẹp cho thực tại. Dư vị trong các câu thơ xưa nay phải chăng đã làm con người càng thêm si mê mùa xuân phong tình, diễm lệ.
Thơ như thủy nguyệt, như kính hoa, chỉ có thể cảm không thể cắt nghĩa lí giải cặn kẽ. Nhìn ở mỗi góc độ, hoa và trăng lại có hình dạng khác nhau, thơ cũng vậy, sẽ để lại trong lòng mỗi người những dư vị đậm nhạt khác nhau.
Phần 2: Hoa xuân
Xuân đến muôn hoa đua sắc tựa như một quy luật tự nhiên nhưng khi lòng thi nhân hòa với thi sắc của thiên nhiên lại tựa như một thiên diễm tình nồng nàn và thanh cao…
Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong.
(Thôi Hộ)
Người giai nhân hiện lên sóng sánh cùng sắc hoa đào tươi thắm, chẳng biết vị xuân trong câu thơ đến từ sắc hoa đào hay vẻ đẹp thanh tú của nàng thơ hay tình ý nồng nàn của thi nhân, chỉ thấy một hương men nồng nàn đọng lại…say cả hương xuân, say cả men tình. Năm sau, cũng ở cửa này, không thấy người, chỉ còn hoa đào đùa với gió đông. Vẫn là mùa xuân, vẫn ở nơi đây, vẫn bông hoa đào năm ấy nhưng lại không thấy người, không có một tính từ cảm thán nhưng câu thơ vẫn trầm xuống, nặng đi bởi nỗi tương tư trong lòng thi nhân. Nhìn hoa lại nhớ người, nay hoa ở đây mà người đã đi đâu rồi? Sắc hoa đào tựa như nhạt dần, nhẹ rơi, lắng sâu trong nỗi nhớ cố nhân. Và tương truyền rằng, từ ấy trở đi, trong thơ ca, hoa đào đi cùng giai nhân. Hoa đào phấp phới bay trong hương xuân, người giai nhân thanh tú ẩn hiện trong sắc xuân hồng… Dường như đó là lí do người ta hay gọi mùa xuân là nàng…
Đến với mùa xuân nơi xứ sở Phù Tang là đến với hoa anh đào.
Anh đào trắng như mây
Xa xa tiếng chuông vọng
Từ Ueno hay Asakusa?
Hoa anh đào không rực rỡ như phượng hay cúc mà nhẹ nhàng tựa sương khó, bay trong tiếng chuông ngân vang. Chẳng biết là tiếng chuông ấy từ đâu và cũng chẳng biết đâu là âm, đâu là sắc. Sắc thanh cao hòa vào âm thanh khiết đọng trong không gian trong trẻo. Đọc câu thơ mà người ta như lạc vào một cõi xa xôi thanh tịnh và thơ mộng. Phải chăng ta đang tan chảy trong từng tiếng chuông chùa hòa vào làn hoa bay trong gió đông, cả vũ trụ như đọng lại trong một khoảnh khắc… Sắc đẹp của mùa xuân được vĩnh viễn hóa trong những con chữ bé nhỏ.
Ta lại gặp lại không gian trong trẻo ấy của mùa xuân trong truyện Kiều:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
(Nguyễn Du)
Một khoảng không gian bao la thanh tú tràn đầy trong con mắt người đọc. Trên nền xanh ấy, ta cũng bắt gặp một sắc trắng- hoa lê. Nhưng nếu như thơ Basho, hoa đào động mà tưởng như tĩnh, sắc hoa lê tĩnh mà tưởng như động. Cụm từ trắng điểm đã gợi cảm giác từng chùm hoa lê đang nở điểm lên bức tranh xuân một màu thanh khiết.
Mùa xuân đâu chỉ có sắc trắng của hoa lê, sắc hồng của đào mà còn có sắc vàng của hoa mai. Nếu như hoa đào mang nét thanh xuân, vị phong tình, hoa lê đem sự thanh khiết và trong trẻo thì hoa mai dường như lại là biểu tượng của niềm hy vọng, cảm thức ấm áp. Trong bài thơ Cáo tật, thị chúng của Mãn Giác thiền sư, cành mai xuất hiện như ánh nắng làm sáng lên cả bài thơ. Một cành mai ấy thôi dường như đem hơi ấm, sự lạc quan cho con người giữa vòng sinh tử, mãn khai- tàn phai của Tạo hóa.
Cáo tật thị chúng
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Dịch nghĩa
Xuân đi, trăm hoa rụng,
Xuân đến, trăm hoa nở.
Việc đời theo nhau ruổi qua trước mắt,
Tuổi già hiện đến từ trên mái đầu.
Đừng cho rằng xuân tàn thì hoa rụng hết,
Đêm qua, một cành mai đã nở trước sân.