Người đua diều – Khaled Hoseini

Sự xúc động luôn là sợi dây bện chặt tâm hồn người đọc với tác phẩm. Và cuốn sách Người đua diều của Khaled Hosseini đã làm được điều đó. Đến với tác phẩm, tâm hồn tôi phút chốc biến thành cánh diều no gió chao liệng trên nền trời cảm xúc.

Nguoi dua dieu

Nó khiến tôi xúc động vì được tận mắt chứng kiến những nỗi đau do chiến tranh gây ra đối với đất nước Afghanistan. Bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu máu đã đổ, bao kẻ bám lấy mảnh đất quê hương thì ngày đêm nơm nớp lo sợ bị nả súng vào đầu hay đạp phải bom, mìn, bao người xa quê thì nhớ mong mòn mỏi về nơi chôn nhau cắt rốn.

Nó khiến tôi xúc động vì thấy được bao oan trái trong cuộc sống. Hai cha con cùng sống chung một mái nhà nhưng “lại trong những bầu sinh quyển khác nhau”. Những cánh diều với làn giấy mỏng manh là nơi giao thoa giữa hai bầu sinh quyển đó. Hai người cùng uống chung một dòng sữa từ một bầu vú, cùng sống chung một mái nhà nhưng có sự khác biệt về giai cấp, tầng lớp. Nó khiến tôi bức bối vì một người luôn được bạn bảo vệ bằng mọi giá nhưng nhút nhát, không thoát ra khỏi cái mai rùa an toàn để cứu bạn. Nó khiến tôi xót xa, vỡ oà trong nghẹn ngào khi sự thật được phơi bày. Bao cảm xúc mong manh, mơ hồ được đọng lại thành hình, thành khối, thành dòng chảy trong tâm trí tôi.

Bằng những chi tiết đời thường, những bi kịch đậm màu thực tế, những nỗi đau rất chân thật, tác giả đã khiến trái tim tôi rưng rưng với bao nhiêu cảm xúc. Tác phẩm là một bản nhạc buồn về tình cảm gia đình, về sự thiếu thốn tình máu mủ, vì nỗi buồn bực do thấy bản thân mình thua kém kẻ khác, về sự công bằng và nỗi bất công, về sự ân hận dày vò tâm can con người… Nó cũng ngân nga về tình bạn, có lúc trầm lắng khi đề cập đến sự hèn nhát và những lỗi lầm. Những dòng vui tươi cũng có đấy nhưng rất ít ỏi, bản đàn dìu dặt từng đoạn với nỗi bi ai tràn ngập.

Xâu chuỗi các chi tiết là cách kể hấp dẫn với nhiều hành động mang tính móc xích, những độc thoại nội tâm và cả cách xây dựng tình tiết bất ngờ. Có lúc tác giả đưa ta đến những cuộc đua diều hứng khởi, có lúc là những cảnh quậy phá, tinh nghịch nhưng đáng yêu của Amir và Hassan, có lúc bót nghẹt tim ta với cuộc trốn chạy đầy hiểm nguy, ngột ngạt của hai cha con Amir hay những cái chết thảm thương… Tác giả khéo léo lia ngòi bút để giữ lại những khoảnh khắc, những giai đoạn đắt giá. Tôi trở thành người thuỷ thủ giong buồm ra biển chữ, đôi lúc căng thẳng cực độ khi đối đầu với sóng trào, đôi lúc lại thư thả trước dòng nước lững lờ trôi. Khaled Hosseini đã rất khéo léo dựng nên những cao trào, thắt nút rồi cởi nút nhẹ nhàng như thế.

Cuối cùng thì cái buồn thương của tác phẩm phần nào được khoả lấp bởi sự chuộc lỗi, bởi những ân hận, dằn vặt của nhân vật kể chuyện Amir Agha. Những hạt mầm hy vọng sẽ nảy nở trên những mảnh đất hối lỗi. Ta khẽ thở phào nhẹ nhõm và hi vọng về một tương lai xán lạn hơn.

—-

nguoi dua dieu review

Cuốn sách này khiến tôi cảm thấy một thời gian dài tôi bàng quan với mọi tác phẩm, nó khiến tôi nhói lên vì chính những tội lỗi, sự lừa dối mà bản thân tôi đã gây nên, tôi dám chắc ai cũng sẽ thấy vậy thôi.

“Khi con giết một người, con ăn cắp một cuộc đời, con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp được quyền được ngay thẳng. Không có hành động nào xấu xa hơn trộm cắp, Amir ạ.”
Khaled Hosseini là một nhà văn hiếm hoi mà mỗi câu văn đều mang lại sự ám ảnh và dư âm đậm chất Afghanistan, không phải đánh giá chủ quan, nhưng tôi khuyên mọi người nên đọc cuốn này trước, rồi sẽ nhận thấy sự đổi khác thế nào về phong cách viết trong “Ngàn mặt trời rực rỡ”. Nói thế không phải không hay, ngược lại còn rất hay, nó mang lại cho tôi một hoài niệm khó tả về một thời đã qua. Tôi tìm thấy một thời chơi trên cánh đồng cùng lũ bạn thả diều, chơi đùa, chăn trâu. Tôi tìm thấy sự day dứt ngày đầu về những sai lầm khôn nguôi. Và trên tất cả, tôi tìm thấy bản thân mà cuộc sống bộn bề đã làm tôi quên khuấy.
Là một câu chuyện của tình bạn, tình yêu, danh dự, tội lỗi, sợ hãi, day dứt và cứu chuộc. Về một quý tộc Baba và con trai ông Amir, về người hầu Ali và con trai Hassan, về chú Kharim thấu cảm, về một tình yêu không được đáp lại, về một sự lừa dối xuyên suốt. Và một cuộc hành trình đi tìm sự cứu chuộc không hồi kết…
“Người đua diều” đề cập đến chính trị, chiến tranh, tôn giáo, nhưng sẽ không ai thấy cái khô khan trong đó, họ chỉ thấy sự đau khổ, bi thiết, tột cùng mà chiến tranh đem đến, và sự đau đớn không nguôi khi chứng kiến phân biệt sắc tộc. Nhưng Hosseini không nói về chiến tranh, tôn giáo. Chiến tranh và phân biệt tôn giáo chỉ có duy nhất một vai trò, đó là chia rẽ con người, chia rẽ một tình yêu mà không bao giờ được đáp lại, chia rẽ một tội lỗi khỏi sự thật. Và chia rẽ sự chuộc tội khỏi mục đích.
Trốn khỏi chiến tranh, tưởng chừng như cuộc sống bên Mĩ của Amir và Baba sẽ tốt lành, tưởng chừng sự lừa dối và tội lỗi đã đi vào dĩ vãng, không, nó luôn day dứt cả hai người, rồi Baba thú tội với Amir, và Amir chuộc tội, một tội lỗi… cho cả hai…
Đến với “Người đua diều”, tác giả không hoa mĩ, không phô trương, đều là những câu nói giản đơn, âm hưởng đậm chất Afghanistan làm tôi thấy thích thú hơn cả. Nhưng dù vậy, những câu nói bình dị cũng đủ khiến bạn bàng hoàng và suy ngẫm, tôi nói đến quan niệm về ăn cắp của Baba, tôi nói đến “thứ mọi bần cùng” Hazara như người ta gọi chúng. Và dám chắc hẳn, ai đã đọc đến câu “Vì cậu, cả ngàn lần rồi!” cũng đều rung cảm.
“Người đua diều” mang một mô-típ cổ điển về tội lỗi và cứu chuộc, nhưng Hosseini đã biến nó thành một áng văn xúc động mọi trái tim đá, không chỉ đơn giản ở câu từ, tâm lí, không, chính những hành động của Amir, chính hành động của Baba, hay hơn cả là hành động con trai của Hassan về cuối khiến chúng ta không thể nguôi ngoai. Gấp lại cuốn sách, một cái kết có thể là đẹp, nhưng tôi vẫn thấy có một cái gì đó, một thứ có thể khiến tôi khép mình lại cả tháng trời chỉ để suy nghĩ về nó và không còn tâm trí nào cho việc khác.
Đây không phải là một cuốn sách khó, đây cũng không phải là một từ điển triết lỉ, càng không phải một cuốn sách bàn về chính trị, con người hay những vấn đề to lớn khác, ẩn dụ cũng không và tôi chẳng có gì để lý giải, nhưng nó có nghĩa lí gì? Khi mà con người lao mình theo đuổi thời cuộc, khi mà tội lỗi, lừa dối diễn ra thường xuyên như một “gia vị” của cuộc sống, và một cách thực dụng, tự huyễn bản thân và người ngoài bởi vẻ hào nhoáng ta đây đọc sâu sách khó, trên hết, con người xem nhẹ cái giá trị cao đẹp của tâm hồn với một câu “tử tế có đào ra tiền không?” Thì tôi thấy, những cuốn sách loại này vẫn còn có giá trị.