Nhà văn Kim Lân là một tác giả nổi bật trong nền văn học hiện đại Việt Nam và cũng là một nhà văn quen thuộc với chúng ta bởi những tác phẩm của ông được dùng để giảng dạy trong nhà trường. Văn Kim Lân để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người vì sự mộc mạc, giản dị như chốn thôn quê trong các tác phẩm của ông và chất cảm xúc tràn đầy trong từng câu chuyện. Đọc “Người kép già”, ta sẽ càng hiểu rõ hơn về tài năng nghệ thuật của Kim Lân.
Nhà văn sinh ra, lớn lên ở nông thôn và luôn dành cho làng quê những tình cảm nồng ấm nhất. Những tình cảm ấy đã được Kim Lân hun đúc tạo nên những đứa con tinh thần giàu sức biểu cảm. Người đọc sẽ không bao giờ quên được hình ảnh ông Hai trong truyện ngắn “Làng” yêu nước đến nỗi căm thù làng vì nghe tin làng theo Tây, rồi vui mừng đi khoe khắp nơi cái tin làng mình bị đốt để cải chính tin làng theo giặc, bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ. Ta cũng khó lòng mà quên cô gái trong “Vợ nhặt” theo Tràng về làm vợ sau khi ăn bốn bát bánh đúc, bữa ăn mừng nàng dâu mới chỉ có chè cám chát xít làm người ăn tối tăm mặt mũi. Người cha già bị coi đối xử tệ bạc trong “Cơm con” cũng sẽ mãi là một ấn tượng khó quên trong tâm trí người đọc.
Các sáng tác của Kim Lân chủ yếu khai thác, làm nổi bật lên những phận đời, phận người ở nông thôn. Viết về làng quê Việt Nam, về số phận của người nông dân thì Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố đã có những thành công rực rỡ nhưng Kim Lân với cách nhìn, cách viết đậm lối “vân chữ” nên đã có vị trí vững vàng trong văn đàn văn học hiện đại. Những tác phẩm của ông khiến người đọc phải suy ngẫm, chiêm nghiệm nhiều điều.
Kim Lân có cách viết chân thật, nhìn thẳng vào thực tế nên ta dễ dàng tiếp cận và cảm nhận rõ nét những nội dung mà tác giả muốn chuyển tải. Vì lẽ đó mà người đọc dễ xót xa, thương cảm trước hiện thực mà nhà văn phơi bày trên những con chữ giàu sức gợi. Đề cập đến hiện thực, nhưng giá trị mà Kim Lân muốn hướng đến nhiều nhất là nhân đạo. Tôi cảm nhận rõ tình yêu thương ông dành cho những kiếp đời buồn trong xã hội dù đó là đối tượng nào chăng nữa. Đôi lúc ẩn sau tình thương ấy là những câu chuyện như một tiếng thở dài, một giọt nước mắt, một nỗi ngao ngán, xót xa, tê tái…
Ở cuốn sách “Người kép già”, thông qua những câu chuyện, tôi còn được biết đến một cách sống động các sinh hoạt văn hóa, thú chơi ở thôn quê Bắc Bộ thuở trước như chọi gà, đấu vật, thú chơi chó săn, hát tuồng cổ… Thôn quê Việt Nam hiện lên không quá u tối, lâm vào ngõ cụt, hẻm cùng như “Tắt đèn”, “Một bữa no”, “Lão Hạc”, “Đồng hào có ma”… mà có phần tươi sáng, vui vẻ và đồng thời thể hiện được nét tài hoa của con người.
Kim Lân quả là có vốn hiểu biết phong phú về những thú vui chốn thôn quê. Chính những đoạn văn thuyết minh cụ thể, rõ ràng trong các truyện là minh chứng thuyết phục nhất cho sự khẳng định đó. Nhà văn đã cung cấp cho người đọc lượng kiến thức dồi dào, thú vị qua cách kể mạch lạc, cuốn hút, khơi gợi sự tò mò. Kim Lân viết tỉ mỉ, khai thác sâu đến thế nhờ có bút lực dồi dào và một phần lớn là do những nét đẹp trong sinh hoạt của quê hương đã ăn sâu vào dòng máu vốn dành cho văn chương của ông.
Văn của Kim Lân không quá cầu kỳ, trau chuốt, nó thiên về cảm xúc, về kết cấu, tình huống, xây dựng nhân vật… hơn. Đặc biệt, những trang viết của ông luôn mang tinh thần của thời đại, dẫu trải qua bao nhiêu tháng năm nhưng những nội dung mà Kim Lân đề cập đến trong tác phẩm của mình vẫn còn giá trị.
Tôi khá thích cuốn sách “Người kép già” bởi nó là sự kết hợp giữa hai cha con: Cha viết văn, con là họa sĩ Thành Chương vẽ những phụ bản với các màu sắc, hình khối độc đáo dù tôi chưa có khả năng cảm được hết nét đẹp của chúng. Chất giấy cũng rất xịn, nó khiến tôi thích thú lần giở từng trang sách một để tiếp cận các truyện ngắn, truyện vừa của Kim Lân.