Ký ức, có những người muốn quên đi, có những người luôn cố nhớ.
Tình yêu, chứa đựng cả những điều ngọt ngào và cay đắng. Chiến tranh và hoà bình. Trả thù và tha thứ. Những mặt đối lập luôn tồn tại trong một sự việc, chỉ cần một chút cảm tính cũng đủ khiến cán cân bị lệch.
Chuyện kể về cặp vợ chồng già, sống trên một vùng đất bị hơi thở của con rồng nguyền rủa, khiến cho những ai sống ở đó quên đi những điều xảy ra trong quá khứ, dù cho điều ấy chỉ mới hôm qua. Một hôm, hai vợ chồng quyết định lên đường tìm con trai của họ. Từ đó, mở ra một hành trình kì lạ để họ tìm về những ký ức bị lãng quên.
Phần đầu cuốn sách hấp dẫn bởi khung cảnh thiên nhiên kỳ bí, những quả đồi, thung lũng, đồng bằng đầy thạch nam, những tảng đá trơ trọi giữa một vùng rộng lớn, những cánh rừng âm u, những con quỷ ăn thịt người, những con yêu tinh dụ dỗ người, những ngôi làng trong hầm, những kỵ sĩ, chiến binh, và rồng. Phần sau của cuốn sách lại làm người đọc thoã mãn khi các bí mật dần được hé lộ. Cuối cùng, các nút thắt được giải quyết một cách ổn thoả cùng một cái kết mở, để người đọc tự tưởng tượng.
Một cuốn sách phiêu lưu giả tưởng, nhưng lại chứa đầy những triết lý nhân sinh, khiến ta vừa thích thú vừa phải suy ngẫm. Bằng cách kể chuyện tự sự qua nội tâm của nhiều nhân vật, khiến cho bức tranh thêm rõ ràng, tổng quát.
“Người khổng lồ ngủ quên” là một tác phẩm tôi cực kì yêu thích của tác giả Kazuo Ishiguro. Câu chuyện đưa bạn đọc quay về nước Anh thế kỷ VI, thời kỳ mà những truyền thuyết, huyền thoại còn đậm đặc hơn cả lịch sử. Theo chân cặp vợ chồng già ông Axl và bà Beatrice, bạn đọc sẽ từng bước dấn thân vào một thế giới, nơi mà lũ Orc, rồng vẫn đang tồn tại, nơi bị một màn sương mù kỳ lạ bao phủ khiến người ta ngay lập tức quên đi mọi điều.
Khoan khoan khoan khoan, nếu chỉ có như vậy thì “Người khổng lồ ngủ quên” đã chẳng hấp dẫn đến mức khiến bao độc giả trên thế giới lao đầu vào giải mã nó. Câu chuyện ẩn tàng những bí mật sâu thẳm, kích thích độc giả không ngừng suy nghĩ liên tưởng để chắp nối các nội dung rời rạc. Dưới đây là vài “thuyết âm mưu” của tôi nhân vừa đọc lại tác phẩm. Những bạn đọc chưa đọc tác phẩm có thể cân nhắc đọc tiếp hay không bởi tôi sẽ tiết lộ vài tình tiết của câu chuyện, còn những bạn đọc đã đọc tác phẩm thì thực tôi rất muốn nghe những góp ý của các bạn.
✔THUYẾT ÂM MƯU SỐ 1:
Chỉ chương 1 của tác phẩm là thực, còn lại tất cả đều nằm trong hồi ức của ông Axl và bà Beatrice. Chương 1 kết thúc bằng câu nói của ông Axl: “Có, công chúa ạ. Chúng ta sẽ bắt đầu chuẩn bị ngay trong hôm nay.” Họ chuẩn bị đi thăm con trai, thực ra con trai họ đã chết từ rất lâu rồi, đồng nghĩa họ đang chuẩn bị để đợi cái chết đến. Cận kề cái chết, hồi ức của con người sẽ tới tấp ùa về, vì vậy mà có các sự kiện ở các chương tiếp sau.
✔THUYẾT ÂM MƯU SỐ 2:
Bà Beatrice là con rồng cái Querig, còn cậu bé Edwin là ảo ảnh về đứa con đã chết của bà.
Bà Beatrice thường bị một cơn đau bên sườn hành hạ. Con rồng cái Querig cũng bị 1 ngọn giáo cắm vào bên sườn đúng vị trí đó. Cậu bé Edwin thì bị con rồng cắn 1 vết cũng đúng tại vị trí cạnh sườn.
Nơi con rồng cái nằm, không có gì cả ngoại trừ một cây táo gai. Theo quan điểm của người Anh, táo gai tượng trưng cho hy vọng và sự hàn gắn trái tim tan vỡ. Con rồng cái già nua ngày ngày nhìn cây táo gai với niềm hi vọng, an ủi được chữa lành.
Bạn đọc hẳn vẫn nhớ khi còn trẻ bà Beatrice từng phản bội chồng. Cái ký ức đáng quên ấy như thứ độc tố gặm nhấm tâm hồn bà, và trong thế giới phi thực này, nó kết tụ thành một con rồng cái, ngày ngày thở ra làn sương mù quên lãng. Bà beatrice những hy vọng sự quên lãng kia sẽ dần hàn gắn trái tim bị tổn thương của ông và bà nên con rồng cái ngày ngày nhìn vào cây táo gai.
Nuôi dưỡng con rồng là các vị linh mục. Hẳn bà Beatrice cũng thường xuyên đi xưng tội, và những buổi xưng tội càng nhắc nhớ bà về lỗi lầm khi xưa của mình.
Khi ông bà xô xát, cậu con trai khi đó bằng đúng tuổi Edwin đã bỏ đi. Edwin có vết thương do rồng cắn, hẳn nhiên ngày đó cậu con trai đã bị chính bà Beatrice làm cho tổn thương. Edwin luôn nghe thấy tiếng mẹ gọi, sau cùng thì ra tiếng đó phát ra từ con rồng Querig. Đây là khao khát gặp lại con của bà mẹ già phóng chiếu vào trong giấc mơ mà thành. Vì vậy khi con rồng chết tiếng mẹ gọi Edwin cũng biến mất.
Edwin từng có 1 mảnh ký ức về việc cậu giúp đỡ 1 cô gái bị trói và bị mấy gã đàn ông hành hạ. Cô gái đó chính là hình ảnh bà Beatrice vì thời trẻ bà cũng rất đẹp. Sau khi phản bội chồng, bà liên tục bị ông hành hạ [cô gái đẹp bị trói] và bà khao khát một ngày con trai bà trở về, giải thoát cho bà khỏi chuỗi ngày bi kịch ấy. Khao khát ấy phóng chiếu ra mảnh ký ức của Edwin.
Người hiệp sĩ bảo vệ con rồng, ông Gawain chính là phóng chiếu của một ông Axl kiêu hãnh, ích kỷ. Tuy nói là đã tha thứ cho vợ nhưng sâu trong ông vẫn muốn giữ mãi ký ức xấu đó để hành hạ bà. Còn dũng sĩ Wistan lại là phóng chiếu của một ông Axl cao thượng, vị tha, sẵn sàng tha thứ cho vợ với sự thành thực, chân thành từ sâu đáy lòng. Ký ức đáng quên kia đã bị Wistan tiêu diệt tận gốc, và bà Beatrice đã ra đi hoàn toàn thanh thản.
✔THUYẾT ÂM MƯU SỐ 3:
Người lái đò là thần chết. Hòn đảo là thế giới bên kia.
Chẳng khó để nhận ra người lái đò mang bóng dáng của lão Charon, kẻ đưa những linh hồn qua sông Styx để vào âm phủ trong thần thoại Hy Lạp. Mọi người đều phải trả lời trung thực câu hỏi của người lái đò cũng như người ta luôn trung thực trong giây phút cuối cùng vậy.
Hòn đảo, nơi kẻ nào đã tới đều không thể quay lại, nơi mỗi người đều cảm thấy cô độc, có gì khác ngoài thế giới bên kia.
Việc thần chết xuất hiện ngay từ chương 2 trong tòa nhà đổ nát, dưới cơn mưa tầm tã đã gieo cho tôi ý tưởng về thuyết âm mưu số 1. Trước thời điểm thần chết xuất hiện, chẳng có con Orc, con rồng, con yêu tinh nào xuất hiện cả, sau đó mới có, càng khẳng định thế giới từ sau cuộc gặp gỡ với thần chết là sự chồng lấp của nỗi sợ, trí tưởng tượng, đức tin tín ngưỡng, niềm hy vọng vv… bởi vậy bạn đọc luôn có cảm giác mơ hồ rằng mọi sự kiện như không có thật.
===
Đôi lời góp thêm về “Người khổng lồ ngủ quên”, một tác phẩm vô cùng đặc sắc và thách thức. Tôi biết có nhiều độc giả nói tác phẩm khiến họ khó thở, tắc não, mông lung vv… nếu có thể tôi sẽ gợi ý họ đọc lại tác phẩm với những ý tưởng mới.