Đây là câu chuyện của 3 thế hệ, Fareeda – người mẹ chồng, Isra – người con dâu, Deya – người cháu gái.
Họ là 3 thế hệ phụ nữ người Palestine sống trên đất Mỹ, dù có quá khứ khác nhau, nhưng tất cả đều chịu chung một số phận, số phận của một người phụ nữ Ả Rập.
Sinh ra là con gái trong gia đình Ả Rập là điều bất hạnh, bởi ngay từ lúc chào đời, bé gái sơ sinh đã bị hắt hủi.
Mọi người trong nhà luôn mong muốn có con trai để gánh vác việc gia đình. Tuy vậy, họ luôn quên mất chính con gái mới là người giúp đỡ mẹ trong việc nhà và nấu nướng. Nếu không có con gái, con trai họ sẽ chẳng bao giờ cưới được một cô dâu về nhà.
Phụ nữ không được đọc sách, không được học đại học, thậm chí còn không được nhắc về tình yêu và hạnh phúc. Isra và cô em chồng Sarah đã không biết bao nhiêu lần phải đọc sách vụng trộm để khỏa lấp nỗi cô đơn và bí bách trong nhà.
Là phụ nữ thì phải kết hôn. Mục đích cả đời của một cô gái Ả Rập khi trưởng thành là lấy tấm chồng, để anh ta trèo lên lưng của phụ nữ, tiếp tục tiến xa hơn trên đường đời.
Vậy nên, Fareeda, Isra, Sarah và cả Deya đều bị giục và bị bắt đi xem mặt khi mới 16, 17 và 18 tuổi. Các bà mẹ sốt sắng tìm kiếm đối tượng, bắt các cô con gái phải học thật nhiều thứ để trở thành “món hàng” hấp dẫn trong mắt các bà mẹ chồng tương lai.
Là phụ nữ thì phải im lặng phục vụ. Không được lên tiếng cãi chồng, cha mẹ, không được đi ra ngoài Brooklyn đi chợ một mình, không được phản kháng.
Mỗi thế hệ đều có giấc mơ và khát vọng về sự tự do và nữ quyền, nhưng không phải ai cũng có thể đấu tranh đến cùng. Khi ý chí của họ vùng lên, mong muốn thoát khỏi sự bất công so với đàn ông, họ lại bị đàn áp cả về tư tưởng và thể chất, bởi chính những người phụ nữ trong nhà, những người mẹ và người bà.
Những người mẹ, người bà nhắc đi nhắc lại những điều cấm kỵ, những điều phải làm, những thứ không nên làm, ép buộc con gái kết hôn, cấm đoán việc đi học đại học… Và quan trọng hơn cả, họ dạy cho con gái rằng phụ nữ không cần được tôn trọng, phụ nữ không cần tình yêu.
Đọc NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ thấy bức bối vô cùng, vì những người phụ nữ bị ép buộc, bị cấm đoán đủ điều, những mong muốn nhỏ nhoi hàng ngày cũng không làm được, bị đánh đập, bị áp bức.
Cuốn sách được kể thay phiên nhau qua 3 lời kể của 3 nhân vật thuộc 3 thế hệ. Những người mẹ đã từng trải qua những hủ tục cực đoan trước đây thì lại áp đặt cho chính con gái của họ. Rõ ràng họ biết thế hệ họ đã khổ, nhưng nhất quyết không đả thông tư tưởng để đời con cháu mình bớt khổ hơn, mà nhất quyết rằng con cháu họ cũng phải chịu những cảnh như vậy.
Trong truyện, mình vừa ghét vừa thương các nhân vật trong truyện, ghét thì ít mà thương thì nhiều. Mình thương những đàn bà vô thanh, phải phục tùng trong câm lặng, thương cả những người đàn ông bị cả gia đình đặt gánh nặng và trọng trách cao cả lên đôi vai, thương những thiếu nữ còn chưa lớn đã phải đi lấy chồng, thương những em gái nhỏ phải học đủ điều để trở thành một thiếu nữ đắt giá.
Nhan đề cuốn sách NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ là ẩn ý đầy thú vị. Với tựa đề gốc A Woman is No Man, khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, chữ “người” đã bị gạch bỏ ngay trên chính bìa sách.
Những người đàn bà, họ sinh ra là chủng tộc người nhưng lại không được hưởng quyền đáng có của một con người, quyền được công nhận, được trân trọng và được yêu thương.