“Monica Ludd, đứa con gái cầm rìu,
Bổ cha mình bốn mươi nhát…
Khi thấy việc mình vừa làm
Cô ta sẽ bổ lão già một nhát nữa.”
Để câu chuyện được rõ ràng hơn, tôi xin phép được đưa ra một vài nhận định: Monica Ludd là đứa con giữa trong một gia đình bình thường. Không! Phải là hơn mức bình thường mới đúng. Gia đình bình thường nào có đến vài căn nhà khác nhau và một loạt xe hơi to uỵch? Gia đình bình thường nào có hai ông anh sinh đôi khởi nghiệp và kiếm được hàng triệu đô, có cô em út người mẫu thanh lịch, bà chị cả đẳng cấp doanh nhân bóng bẩy và cô chị khác là hiệu phó mẫu mực?
Tôi xin phép được nhắc lại, gia đình nhà Ludd là một gia đình đáng mơ ước và trên mức bình thường. Chắc chắn là vậy.
Nhưng sự bình thường nào cũng tiềm ẩn những sự bất ngờ. Vào một ngày đẹp trời (theo ý Monica là một ngày xấu, nhưng tôi thấy nên kệ bả, bả chẳng tỉnh táo lắm vào hôm đó đâu, chẳng ai tỉnh táo mà vác rìu đến nhà cha đẻ cả), ngài Ludd được tìm thấy trong tình trạng “đầy máu, một con mắt bị thụt sâu vào hốc mắt rất kinh dị. Các đốt ngón tay sần sùi như xương gà. Chiếc áo pyjama bị lộn ngược lên vai khiến đầu ông trông như một quả trứng nứt nẻ nằm trong túi.”
Và Monica Ludd bỏ chạy. Khi được hỏi, bả nói chuyện nghe hết sức kỳ cục. Bả thề thốt bả không hề làm gì ông cha quý giá của bả. Nhưng bả bỏ chạy khỏi hiện trường với một cây rìu dính máu. Và hôm trước bả còn tuyên bố chống lại ông cha của bả nữa – tức là ông Ludd (tôi xin phép được nhắc lại trong trường hợp quý vị quên).
Có Chúa mới tin bả.
Tôi thì không phải, tôi chỉ là một độc giả thôi nên tôi không tin bả, tôi chỉ theo chân bả vì tác giả bảo thế. Và tôi chờ ngày bả bị tống vào tù.
Những mãi mà tay cảnh sát Ginger không tống bả vào tù. Tôi thật chẳng hiểu vì sao, tay cảnh sát này bị mê muội bởi sắc đẹp của bả hay là năng lực ổng yếu kém? Có cần một độc giả như tôi nhắc lại là anh có súng và còng số 8 không Ginger? Tỉnh táo lại đi. Monica Ludd là một bà điên. Và để tôi nói cho anh biết nhé Ginger, cả nhà Ludd chẳng có ai bình thường cả!
Vì những đứa con trong gia đình nhà Ludd là những đứa trẻ bị chính người cha của mình bạo hành. Ông cha đã đặt cho những đứa con của mình những biệt danh thật gớm ghiếc: Monica = Mono = khỉ đột chẳng hạn. Lão hắt nước sốt vào mặt vợ mình trước mặt những đứa con chỉ vì một chuyện nhỏ. Lão còn ngoại tình và lạm dụng các bệnh nhân của mình. Và lão lúc nào cũng ra rả: “Gia đình là tất cả với anh.”
Ôi mọi thứ điên hết rồi! Khỉ gió! Ginger, anh phải tin tôi chứ, tôi là độc giả cơ mà!
————
“Máu” của Maggie Gee là câu chuyện về sự vẫy vùng giữa bạo lực và tình yêu, giữa luân thường đạo lý và tình cảm gia đình. Máu mủ ruột rà là sợi dây liên kết bền chặt nhất giữa những con người trong gia đình, cũng lại là sợi dây trói buộc họ với tự do và tình yêu. Máu đã đổ từ trước cả khi Monica đặt tay lên chiếc rìu. “Bạo lực đẻ ra bạo lực. Chuyện gì cũng căn nguyên. Ra tay và bạn tồn tại. Bạn tồn tại nghĩa là nạn nhân của bạn biến mất.” Tác phẩm là một lời cảnh tỉnh về nạn bạo lực gia đình và tác động của nó đến với cuộc sống của những đứa trẻ.
“Đây là điều mà tôi muốn nói với các người, hỡi những ông bố nguy hiểm, bà mẹ dễ dãi, những kẻ nghiện phim đen, điện thoại, bọn say xỉn và mê cờ bạc trực tuyến – kể cả những ông bố bà mẹ bình thường nhưng vô tâm. Tất cả các người đều bưng tai bịt mắt trước những kẻ nhỏ bé và yếu ớt, không bao giờ chịu lắng nghe mỗi khi bọn trẻ lên tiếng. Cứ làm thế đi và tương lai của bọn trẻ sẽ bị tàn phá.”
Về mặt hình thức, sau hai cuốn “Máu” và “Ellie yêu dấu”, mình khá là thích cách biên tập của I Love Books với những cuốn văn học phương Tây. Cuốn sách chỉn chu về mặt trình bày, không có lỗi chính tả. Nhưng nói thật là mình không quá thích bìa sách này của I Love Books. Hơi u tối một chút và mình đã phải chỉnh sáng lên khá nhiều để nhìn được dụng ý của bìa sách. Suýt nữa mình đã không định đọc vì cứ tưởng truyện kinh dị. Hóa ra chỉ là trinh thám giật gân thôi. Nhưng nhìn tổng thể thì cuốn sách cũng khá ổn đấy ạ.