“Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
“Ai bảo chăn trâu là khổ?”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được…
Chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích
Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi…”
Tôi xin mượn trích đoạn của bài thơ Quê hương – Giang Nam mở đầu cho chuỗi kí ức tuổi thơ của mình. Thật may mắn cho tôi ngay từ khi còn nhỏ đã được tiếp xúc với rất nhiều những câu chuyện kể, những bài thơ hay mang đậm dấu ấn một thời. Chất liệu văn học dân gian thổi hồn qua những trang sách đã cùng chúng tôi lớn lên, cùng chúng tôi trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, bước từ trang sách ra cuộc đời, dù có phần khắc nghiệt, nhưng tôi tin, nếu ai đã từng nếm trải, từng yêu, từng vấn vương những cuốn sách của tuổi thơ, sẽ luôn có một tâm hồn thuần khiết, một trái tim yêu thương và một thái độ bình thản trước những khó khăn của cuộc sống.
Tôi thường mê mẩn câu chuyện về Hai đứa trẻ của Thạch Lam, mơ mộng cùng những trang văn của bác Ánh, hòa mình vào những cuốn truyện tranh xinh xắn… và rồi, cứ thế tôi lớn lên, mang trong mình một tình yêu đặc biệt với con chữ. Ai bảo làm Xuất bản nghèo lắm, tôi lại mơ màng về những ngày tháng đã qua, có cái được, không phải lúc nào cũng luôn nhận ra.
Tôi thích sách, yêu sách, và thể hiện tình yêu với nó mỗi ngày. Có người thấy vậy mà phán làm màu, nhưng nhiều hơn trong số đó, tôi lại có nhiều hơn những mối quan hệ, nhiều hơn những người bạn có cùng đam mê, cùng sở thích? Những cuốn sách hay, những câu chuyện thú vị từ sách giúp bản thân tôi trở nên nhẹ nhàng hơn, bình thản hơn, đôi lúc vẫn có chút buồn vì những lời nói vô phẩm vô phạt từ người dưng, nhưng không vì thế mà tôi nảy sinh tranh chấp hay cãi lộn gì cả. Có lẽ, những trang sách tuổi thơ đã giúp tôi có được điều này.
Tuổi thơ, có đứa trẻ nào không mê mẩn với Hoa học trò, Trà sữa tâm hồn, Tiền phong, Doraemon, với Nguyễn Nhật Ánh cơ chứ… Đó còn là những đêm thức muộn để nghe Xone FM, những lần tức chết đi được vì đang xem cái Tivi nó nhiễu sóng,… những kỉ niệm đã qua nhưng dấu ấn tuổi thơ, những giá trị của sách, của báo, của những chương trình phát thanh, truyền hình chẳng thể phủ nhận được. Tôi tin chắc rằng, không chỉ riêng tôi có một tuổi thơ như thế, mà có thể là những thế hệ trước tôi, hoặc sau tôi cũng có những kỉ niệm thật đẹp của riêng mình.
Giờ đây, với sự phát triển của internet, thế hệ Z ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với ebook, audiobook, với các nền tảng số hiện đại, bắt mắt hơn, nhưng tôi tin chắc rằng, sách giấy vẫn có một giá trị riêng của nó. Sách, báo ở mỗi thời sẽ có những phương thức, chất liệu truyền tải khác nhau, nhưng sứ mệnh của nó chẳng phải là truyền tải TRI THỨC hay sao!