Tôi chưa bao giờ đọc một cuốn sách lâu đến vậy. Thế mà với cuốn sách này tôi đã nhai đi nhai lại mất 2 tuần, mỗi ngày 2-3 giờ.
Không hẳn vì cuốn sách hay. Mà có lẽ vì tôi tìm thấy mình ở trong đó. Và những gì mình cần.
Là một người rất quan tâm đến quản trị nhân sự, tôi thường dành nhiều thời gian để tìm hiểu về sự đa dạng trong tính cách, về những nhu cầu khác nhau trong những giai đoạn khác nhau của con người, về những điều tạo nên sự hài lòng, tính gắn kết, lòng trung thành và những gì gây ra những điều ngược lại…
Hằng trăm những lý thuyết uyên bác chia con người ta ra thành 4 hay 16 loại tính cách (MBTI/DISC), định nghĩa 5, 8 hay 13 tầng nhu cầu (Maslow), quy định hai nhóm yếu tố tạo động lực hay tạo sự khó chịu (Herzberg), hình dung đường cong học tập/kinh nghiệm, … dễ dàng đánh lừa những nhà quản lý như tôi rằng họ đã ĐỦ hiểu để DÙNG người cho hiệu quả.
Thế nhưng, chỉ khi gặp những ca khó tôi mới biết rằng té ra mình chưa đủ hiểu về con người.
Những lý thuyết ấy, dù đông tây kim cổ khác nhau, đều dựa trên những nguyên tắc khoa học rõ ràng: quan sát, thống kê trên một lượng đủ lớn những trường hợp/cá thể để cố gắng rút ra một quy luật nào đó đúng cho ĐA PHẦN trong số họ. Quy luật ấy hàm ý CHO RẰNG chúng đúng cho tất cả mọi người.
Tôi luôn tin, và cố gắng hành xử theo niềm tin và những quy luật CHUNG ấy.
Thế nhưng, khi làm việc, chúng ta lại làm việc với một con người cụ thể. Họ có số phận riêng, tính cách riêng, những vui buồn riêng, nhu cầu riêng và những điểm tối kỵ cũng rất riêng. Cho dù có thể giải mã phần nào nhờ những quy luật khoa học ấy, ta phải đủ quan tâm đến những điều RIÊNG ấy, vì đôi khi nó đủ lớn để “đè nát” những gì ta rút ra được qua những quy luật chung.
Vì ta làm việc với một con người cụ thể, nên không thể chỉ dùng quy luật số đông vốn chung nguyên tắc với việc đếm những con cừu!
Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao cho dù cùng một nhóm tính cách, cùng một nhóm nhu cầu mà một người nào đó lại sẽ phản ứng dữ dội đến vậy với một lời khen, lời chê, ý kiến trái chiều hay chỉ là một lời nói vô thưởng vô phạt nào đó?
Vì sao có những người không bao giờ cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương của người khác, có những người hoài nghi tất cả những gì xung quanh mình, có những người dễ dàng bị tổn thương hay thậm chí sụp đổ chỉ vì một sự so sánh vô tình, có những người sẵn sàng nhảy dựng lên chỉ vì bạn bắt tay hay cười với người khác trước họ, …
Vì sao có những người sẽ bi phẫn nếu ta hướng dẫn họ chi tiết các bước thực hiện một công việc nào đó, trong khi có những người sẽ tột cùng mừng vui coi đó là biểu hiện của sự quan tâm?
Vì sao có những người không bao giờ cảm thấy hạnh phúc, trong khi có những người hạnh phúc với tất cả những gì tệ hại xung quanh mình?
Vì sao mà trong những gia đình nhiều con, những đứa con thứ hai thường nổi loạn, đứa út thường ương ngạch, còn đứa đầu thường nhiều đức hy sinh hơn? Còn trong gia đình một con, đứa con một đa phần sẽ rất ích kỷ và yếu đuối?
Qua quan sát của cá nhân mình, tôi hiểu rằng tính cách của một người được hình thành bởi sự kết hợp giữa (a) các yếu tố di truyền, (b) di sản văn hoá được truyền thừa trong môi trường mà người đó lớn lên, (c) trải nghiệm cá nhân của người đó.
Với cuốn sách này, tôi hiểu rõ hơn phần (c) ấy, đặc biệt là vai trò của những trauma (sang chấn tâm lý) trong quá trình trưởng thành và phát triển của họ.
Thật kỳ lạ là những trauma ấy, dù có thể được kiểm soát bởi lý trí trong đa phần thời gian, lại trỗi dậy tác động lớn lao vào những thời điểm quyết định để giới hạn thành công hay hạnh phúc của một con người.
Đem những ghi nhận ấy trao đổi với nhiều bạn bè, té ra hầu hết trong số chúng tôi đều có những sang chấn tâm lý khác nhau và ở những mức độ khác nhau. Chúng làm cho chúng tôi chọn những rẽ nhánh khác nhau trong cuộc đời (dù cùng một xuất phát điểm chung nào đó) và vì vậy có những số phận hoàn toàn khác nhau. Chúng làm cho chúng tôi NGƯỜI hơn. Nhóm chúng tôi cũng chia sẻ câu chuyện về những người khác xung quanh mình, về những cuốn sách trên Amazon hay bộ film trên Netflix về đề tài này và tin rằng trauma thực sự ảnh hưởng đến con người và số phận của họ.
Vậy thì ta đã thực sự hiểu được những người đồng sự quan trọng nhất của mình chưa? Để giúp họ đạt được đỉnh cao có thể trong sự nghiệp?
Vậy thì ta đã biết cách nuôi dạy con cái của mình chưa? Để không xây nên những rào chắn tâm lý vô hình trên con đường tương lai của chúng?
Vậy thì ta đã hiểu và chấp nhận (những) người vợ của mình như họ vốn là chưa? Để hạnh phúc mỗi ngày bên họ và họ hạnh phúc mỗi ngày bên mình?
Và trên hết, vậy thì ta đã đủ hiểu để chấp nhận chính mình hay chưa?