SANSHIRO – BỨC TRANH VỀ NHỮNG SỰ ĐỐI LẬP

Là một trong ba trụ cột chính của văn học hiện đại Nhật Bản, có thể nói văn chương của Natsume Soseki có sức hút và tầm ảnh hưởng vô cùng lớn. Trong phần lớn sáng tác của ông, có thể thấy sự đấu tranh giữa những yếu tố cũ – mới, sự đối đầu Đông – Tây luôn được làm rõ và đầy trực diện. Trong số đó Sanshiro – tác phẩm được cho là nổi bật và quan trọng nhất, là tấm gương phản ánh sự bức thiết, cũng như là làn sóng ngầm của những tư tưởng đối lập.
Sansiro
Tác phẩm là câu chuyện xoay quanh Sanshiro – chàng trai 23 tuổi, vừa học xong trung học ở quê nhà Kumanoto và lên Tokyo để tiếp tục sự nghiệp sách vở. Cậu hội nhập vào bầu không khí ở trường đại học từ người anh họ Nonomiya – một nhà khoa học vật lý, từ đó làm quen với cậu bạn Yojiro, giáo sư Hiruta và hai nữ nhân, Mineiko và Yoshika. Trong những năm tháng tuổi trẻ ấy, cậu dần chứng kiến những câu chuyện mới lạ mà cũng không thiếu những xung năng và đấu tranh ngầm.

NHỮNG NHÂN VẬT ĐẠI DIỆN

Việc xây dựng Sanshiro như tờ giấy trắng, có thể nói là một dụng ý rất hay của Soseki, khi đảm bảo được tính chân thật để truyền tải những xung đột ở thời điểm ấy. Ông không gán lên Sanshiro bất cứ một tư tưởng nào, mà chính qua những vệ tinh quay xung quanh anh, một quỹ tích của những đối kháng và kìm hãm hiện ra, trong sự xung đột và là những mâu thuẫn không thể giải quyết.
Là gã nhà quê chân đất mắt toét lần đầu ra đến thị thành, kiến thức sách vở từ những năm trung học dĩ nhiên là quá xa vời với anh. Việc thiếu va chạm với hiện thực và dần trở nên cô độc, u uất; đã mang anh đến với Yujiro – người bạn thân có phần trái ngược hoàn toàn; gàn dở và cũng bạo dạn, thích làm những chuyện lớn. Trong những tháng ngày này anh cũng sa vào lưới tình với Mineiko, một cô gái bạo dạn, có học thức và đam mê những cái mới.
Giáo sư Hirota là nhân vật chính nhất đại diện cho cái cũ. Trong cuộc đời mình, ông cống hiến hết nhưng chưa bao giờ chịu làm một việc gì khác để tự nuôi sống bản thân, ngoài những đồng lương rẻ mạt của công việc nghiên cứu. Trước sự biến đổi nhanh chóng của nước Nhật mà những chân giá trị cuồng loạn, bỗng chốc bị dốc ngược theo nhiều hướng khác nhau, Hirota là tuyến nhân vật dễ thấy thường bị bỏ lại phía sau, khi khư khư bám giữ những cái cũ.
Thế nhưng, không chỉ một mình Hirota, mà người kỹ sư chiếm giữ vị trí quan trọng như Nonoyima cũng đi theo hướng cũ, khi cho rằng những nghiên cứu chỉ trên giấy tờ sẽ có thể ứng dụng mặc cho thực nghiệm đối với nó, là quá xa vời. Một trong những điểm hay của Soseki là ông châm biếm ngay trong từng phe cánh với nhau, khi ở buổi tiệc tổ chức, ông gọi những thí nghiệm tìm ra áp lực ánh sáng của anh là “chủ nghĩa lãng mạn”, vì thiếu thực tế và khó áp dụng.
Những tư tưởng và hạn chế của người học cao, hoàn toàn đối lập với thế hệ trẻ đang lớn và dần tiến những bước xa ra khỏi thời đại, mà đại diện tiêu biểu nhất là Yujiro. Khi phán xét Yujiro, đây thật sự là điều có phần khó, khi dường như Soseki xây dựng anh chàng ở tình thế nước đôi, như nhằm khắc họa sự phân vân của mình chăng? Yujiro tuy “mới” thật triệt để, nhưng anh vẫn gắn mình với “Bóng tối vĩ đại”; hay, sâu cay hơn, cậu chàng là một chân tiểu nhân, ngụy quân tử đục nước béo cò như Hirota nói? Khó có thể giải đáp khi ngay chính Soseki cũng pha lẫn những suy tư này, làm thành thế nước đôi cho sự hỗn loạn của những luồng tư tưởng lúc đó.

CHUYỆN TÌNH NHIỀU NGÃ

Đặc trưng trong các tiểu thuyết của Soseki là sự ràng buộc của những mối quan hệ con người, mà trong số đó thường thấy nhất là quan hệ nam – nữ. Ở Sanshiro, tiếc thay tuy đặt nhan đề là nhân vật chính, nhưng hào quang dường như thuộc về người có phần bí ẩn và chiếm ít dung lượng hơn, nhưng quán triệt hoàn toàn hướng đi và tư tưởng của mình – Mineiko.
Theo đó, như cả giáo sư Hirota và Yujiro thừa nhận, ở Mineiko có nét nào đó của motif phụ nữ trong kịch của Ibsen, hoang dã và theo chủ nghĩa phóng khoán không áp đặt. Cô nổi loạn ngầm và không đi theo những chuẩn mực thường thấy của xã hội Nhật Bản cũ.
Trong cuộc tình có phần hài hước ấy, Mineiko luôn luôn là người chủ động, cô tự tạo ra việc cho mượn món nợ, cô tạo ra những cơ hội… nhưng chính truyền thống ăn sâu ngàn năm trong một cá nhân thiếu dũng khí, mối tình ấy đã chết yểu. Moineiko và Yushika, đều mang trong mình nét phản kháng mới, thoát xa tình trạng thứ yếu và bị áp đặt. Họ đứng lên như nhân vật của Ibsen, nhưng nếu nhìn rộng ra hơn, không chỉ phụ nữ mà tất cả những người thời ấy đều đang quá độ theo một nấc khác.
Thế nhưng như một quy luật muôn đời, hầu hết trong họ đều là thất bại. Từ buổi rạng đông của sự tiến hóa, những thay đổi mới sẽ bị dìm chết dưới bãi sình lầy của tư tưởng cũ kềm giữ muôn đời. Nhưng không phản kháng sẽ không thoát ra, không đấu tranh sẽ không quá độ; và ít nhất qua Sanshiro những gì chân thật nhất đã được dựng lên, về bầu không khí ngột ngạt và đầy kình chống của thời kì đó.