Sau các bài của mình giúp các bạn phân biệt sách fake, sách in lậu và các trang fanpage bán sách fake, mình vẫn thấy có những bạn ủng hộ sách fake, có lẽ các bạn đấy hiểu nhầm hoặc giả vờ không hiểu rằng việc cố tình mua sách fake là tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật của các nơi in và bán sách fake.
Đó là tiếp tay cho bọn buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế…để bọn họ có nguồn lực, có tiền của để tiếp tục lừa đảo những người đọc khác.
Năm 2004 mình là nhân viên kinh doanh mực in nhập khẩu từ Hàn Quốc cho máy khổ lớn, in quảng cáo. Nếu bạn google tìm hiểu về bạt hiflex thì sẽ biết nó có 2 mặt, 1 mặt láng để in, 1 mặt gân, có sợi bên trong để tăng độ bền. Thời điểm đó, giá in thông thường của 1m bạt, khổ 2,2m là tầm 80.000VND, cũng nên nhớ là 80K thời đó khác với 80K bây giờ vì lạm phát. Nhiều đơn vị, họ nhập mực TQ giá thành rẻ về để in với giá 60K/m.
Lúc đó, mức độ chênh lệch về chất lượng mực in là rất rõ ràng. Mực TQ, in bạt ngoài trời, chỉ cần 1 vài tháng là bay mất màu đỏ. Nhiều đơn vị đã phải chịu thiệt hại hàng tỷ đồng khi ký những hợp đồng lớn với Coca Cola chẳng hạn (toàn màu đỏ) và bị Coca Cola buộc phải in lại toàn bộ các bạt ngoài trời theo hợp đồng.
Thế nhưng, điều khiến cho mình “giật mình” và nhớ mãi là 1 đơn vị in ở Cần Thơ, họ chào giá in 30K/m cho người tiêu dùng thông thường, điều này là bất khả, vì giá bạt hiflex trắng thời đó đã tầm hơn 40K/m rồi. Hóa ra, họ tận dụng lại bạt in lỗi mặt trước, lật mặt sau ra in, phục vụ cho các khách hàng CHỈ CẦN RẺ.
ĐÓ LÀ CẠNH TRANH ĐI XUỐNG.
Không có gì giết chết doanh nghiệp nhanh bằng cạnh tranh bằng giá. Nhất là những doanh nghiệp VN, cho tới nay, đa phần vẫn là vừa và nhỏ, sức chịu đựng biến động thị trường không cao (Sau đợt Covid vừa rồi đã thấy rõ).
Không cần phải ra nước ngoài, bạn nào ở TP.HCM có thể tìm đến những gia đình bán hàng lâu năm ở khu vực Chợ Lớn để thấy sự hợp tác, buôn có bạn, bán có phường của họ. Rộng hơn, là ở các nước lân cận, như Thái Lan, nếu không hợp tác, thì họ giữ tinh thần CẠNH TRANH LÀNH MẠNH bằng chất lượng, bằng quy mô, bằng dịch vụ khách hàng…và họ cùng tiến. (Đương nhiên, ở đâu hay quốc gia nào cũng có thành phần này, thành phần nọ, ở đây, mình ví dụ vậy ám chỉ chung chung, phần lớn)
ĐÓ LÀ CẠNH TRANH ĐI LÊN.
Đến bây giờ mà một số bạn vẫn ủng hộ việc mua và sử dụng sách fake, lấy lý do là điều kiện tài chính chưa cho phép, rồi lớp mình hay khu vực mình ai cũng dùng sách fake, rồi mình dùng phần mềm lậu, quần áo giày dép fake…có sao đâu…
Chính xác là không có sao với bạn trước mắt, nhưng rất có sao khi đặt vào bối cảnh rộng hơn. Năng lực cạnh tranh của các nhà sản xuất, của các dịch vụ và đơn vị phát hành dần biến mất khi phần lớn người tiêu dùng dễ dãi, chấp nhận các sản phẩm, dịch vụ thấp, chưa kể là kém an toàn và nguy hiểm chỉ vì chạy đua cạnh tranh về giá. Bản thân người dùng đồ fake cũng “dễ dãi” với các tiêu chuẩn khác về đạo đức và lối sống. Gợi ý cho các bạn tìm đọc 2 quyển “Bản Chất Của Dối Trá” của Dan Ariely và “Linh Hồn Của Tiền” Của Lynne Twist để hiểu rõ tại sao mình lại “quy chụp” như thế.
Chưa nói đến nhiều yếu tố khác mà có lẽ các bạn đã biết. Liệu một số bạn vẫn còn “ủng hộ” sách fake có tính đến tác động độc hại đối với sức khỏe của mực in sách chất lượng kém so với mực hữu cơ mà một số đơn vị phát hành sách nghiêm túc hiện nay đang sử dụng không?
Có bạn còn so sánh và bảo giá sách thật cao nên thiếu tính cạnh tranh với giá sách fake, giải thích mãi mà bạn ý vẫn không chịu hiểu và bạn ý còn cho rằng thị trường phải có tự do cạnh tranh. Mình đã hỏi bạn ấy chỉ cho mình xem ở thị trường nào mà có thể tiến bộ được khi người dùng và cơ quan quản lý lại cho phép bọn bất lương, ăn cắp chất xám, công sức của người khác cạnh tranh với người làm ăn nghiêm túc, đóng thuế đầy đủ không? Liệu thị trường đấy có bền vững được không?
Và liệu các bạn có ủng hộ các NXB và các nhà phát hành hiện nay, giảm giá thành tối đa bằng cách dùng giấy tái chế chất lượng thấp, mực in độc hại giá rẻ để cho giá thành sách rẻ tới mức bọn sách fake không cạnh tranh lại không? (giống trường hợp bạt hiflex mình ví dụ bên trên).
Đấy là còn chưa tính đến tiền bản quyền, giấy phép, thuế và chi phí marketing v.v…Cạnh tranh kiểu gì cho lại với bọn bất lương?
Cá nhân mình thì ủng hộ việc cạnh tranh lành mạnh, đi lên và mình kêu gọi các bạn đọc khác cũng ủng hộ điều này. Có nhiều cách để người khát khao tri thức tìm đến sách vở, không phải chỉ có mỗi cách duy nhất là ủng hộ bọn bất lương.
Vai trò của các Cơ Quan quản lý, của Luật Pháp chưa làm rốt ráo việc này vì còn nhiều hạn chế
(các bạn Google hoặc lên báo Tuổi Trẻ online và đọc bài về vụ hội chợ sách fake ở Huế hôm 07/06 vừa rồi, cơ quan chức năng phạt “rất nặng” 14tr VND và… cho phép hoạt động tiếp
Mình chả là ai cả, nên chả dám có ý kiến gì trong những cái vĩ mô như chính sách hay pháp luật….
Mình chỉ là một người đọc, thích mua sách, có kinh nghiệm mua sách thật, tránh sách giả để chia sẻ với các bạn và mong muốn thị trường xuất bản ở VN TIẾN BỘ bằng CẠNH TRANH LÀNH MẠNH. Để người đọc như các bạn và mình có thêm nhiều đầu sách hay, chất lượng cao.
Khi bọn bất lương bán sách fake hết đất sống vì không ai ủng hộ, các nhà phát hành có thể tăng số lượng bản in, tự khắc giá sách sẽ rẻ. Trong in ấn, chi phí phần cứng (mực, giấy v.v…) sẽ chiếm tỉ lệ giảm dần khi số lượng bản in lớn.
Nhưng đừng mong là sách thật sẻ rẻ hơn khi mà sách fake đã và đang làm cho sách thật hấp hối. Và đợi đến khi “có nhiều tiền sẽ mua sách thật” thì sách thật đã tèo từ lâu.
Bạn phải phải hành động trước, cho củi vào lò thì mới có lửa để mà sưởi ấm được chứ không phải chờ cho lửa nó tự đến…
Mà thường khi lửa nó tự đến thì hầu như kết cục là khá thảm khốc…