Tâm lý học tội phạm

tam ly hoc toi pham
Bộ Tâm lý học tội phạm này gồm 2 cuốn, mình đã lê lết xong cuốn 1, cuốn 2 vẫn đang nằm trong kế hoạch đọc sách tháng 4 này. Tình cờ thế nào mà trong lúc đọc mình lại gặp kha khá những ví dụ/ vụ án thực tế để lý giải về những luận điểm tác giả đã đưa ra về tâm lý của một tên tội phạm: “Một kẻ phạm tội không phải do hoàn cảnh, môi trường (xã hội, gia đình, trường học…). Tất cả tội phạm đều vi phạm pháp luật một cách có ý thức và cố ý.” Tức là một người phạm tội là do chính bản thân họ chọn lựa như vậy.
Khi đọc xong chương này, mình nhớ ngay đến Ảo dạ (Keigo) khi cảnh sát Kato hỏi Mifuyu rằng quá khứ của cô ta đã trải qua chuyện gì khiến cô ta trở thành như vậy thì cô ta đã bật cười mà nói rằng: “Sang chấn tâm lý à? Lẽ nào hồi nhỏ tôi đã bị tổn thương, và vết thương ấy vẫn luôn chi phối tôi à? Xin ông tha cho tôi đi, tôi chẳng có mấy câu chuyện vớ vẩn đó đâu.”
.
Các nhà tâm lý học và chuyên gia vẫn đổ lỗi cho gia đình, cha mẹ, quá trình trưởng thành của một đứa trẻ là nguyên nhân chính tạo nên tính cách và những hành vi phạm tội. Sherlock Holmes cũng từng nói một câu thế này: “Bạn Watson ơi, ngành y luôn luôn có những thí nghiệm soi sáng cho thấy, hiểu khuynh hướng, tương lai một đứa trẻ không gì tốt hơn nghiên cứu cách sống và hoàn cảnh của cha mẹ, Anh không thấy định lý đảo à? Ngước lại, nhìn đứa trẻ biết cha mẹ cũng đúng. Tôi luôn tìm ra những tai sáng hướng dẫn, tìm hiểu cha mẹ qua quan sát đứa bé.”.
Nhưng bạn không thể biết trước được một đứa trẻ sẽ phát triển thành con người như thế nào khi chỉ đơn giản là biết về bố mẹ chúng. Trong những người có khuynh hướng phạm tội, phần lớn đều có cha mẹ là những người có hình mẫu tuyệt vời, có trách nhiệm, cần cù và yêu thương con cái hết mực. Chính những đứa con đã từ bỏ sự quan tâm từ cha mẹ của mình.
.
Trường học cũng là một nơi để nhận biết dấu hiệu của những kẻ phạm tội. Không phải chỉ những kẻ bạo lực, bắt nạt người khác dễ dàng thực hiện hành vi phạm pháp. Thậm chí cả những người với học lực tốt, bằng trí thông minh của mình, họ là những người tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn nhiều.
Lý do khiến hầu hết những đứa trẻ phạm pháp mù chữ là do chúng không chịu học hành chứ không phải bị khiếm khuyết trong học tập.
Đứa trẻ chối bỏ trường học chứ không phải trường học từ chối cậu ta.
.
Về phần công việc và tội phạm, mình thấy chưa đề cập sâu và rõ ràng lắm về cách mà một tội phạm cư xử và thể hiện hành động ra bên ngoài. Nhưng mình khá ấn tượng với một câu ở cuối chương.
Đối với hầu hết tội phạm, hối tiếc lớn nhất là để bị bắt.
.
Phần cuối đề cập đến đời sống tình dục và cơn giận của những kẻ tội phạm biến thành cơn thịnh nộ. Có thể vì nằm ở cuối, nên nội dung khá nông và cảm giác đọc bị hẫng vì không lí giải tới. (Hoặc có thể do đọc các phần đầu khá ấn tượng, nên khi đến cuối đọc không tới mình có hơi thất vọng xíu.)
Một vài điểm cộng
  • Sách đưa ra những ví dụ khá xác thực và dễ hiểu.
  • Tác giả không phải người chuyên viết sách mà qua thời gian dài nghiên cứu và tổng hợp lại nên những luận điểm ông đưa ra rất chặt chẽ và có bằng chứng cụ thể.
  • Dịch giả của cuốn này là một bạn công an cực kỳ có tâm nên từ ngữ chuyên ngành dịch rất sát và mượt.
Một vài điểm trừ
  • Sách hơi nhiều lỗi chính tả (với 1 đứa OCD như mình thì khá là khó chịu)
  • Giữa các chương/ ví dụ không có phần ngắt nghỉ nên nhiều lúc đọc mình cảm giác bị lê thê mãi không hết.
Nhưng tổng kết lại, đây là một bộ sách nên đọc, để hiểu một phần về những kẻ phạm tội và tâm lý của họ.
“Trong chúng ta ai cũng có một phần suy nghĩ về việc phạm tội. Nhưng chúng ta có chọn lựa để hành vi đó xảy ra hay không mà thôi.”
Mong các bạn sẽ không quá đau não khi đọc cuốn này.