Tên của đóa hồng

ten cua doa hong review
𝕄Ộ𝕋 𝕋ℝ𝕆ℕ𝔾 ℕℍỮℕ𝔾 𝕋Áℂ ℙℍẨ𝕄 “𝕃Ừ𝔸 ” ĐỘℂ 𝔾𝕀Ả ℕℍẤ𝕋 𝕄Ọ𝕀 𝕋ℍỜ𝕀 ĐẠ𝕀
Xin chào, mình đặt cái tít như trên là hòng lôi kéo sự chú ý của mọi người (nên đừng vội ném đá nhé), đó cũng là cách gọi vui của mình sau khi trải nghiệm đọc tác phẩm. Đối với một tác phẩm lớn thì cái sự “lừa” nó cũng “bác học” không kém và khiến ta không khỏi ngưỡng mộ,khâm phục.
_Cú “lừa” thứ nhất: từ đầu đến cuối tiểu thuyết bạn sẽ không tìm đâu ra bóng dáng của một bông hồng nào, cũng không hề có tên của một loại hoa hồng nào được nhắc đến trong tác phẩm! Chung quy lại thì nếu độc giả nào có thói quen “áp” tiêu đề vào trong cốt truyện (như mình) để rồi chăm chăm đi tìm cái bông hồng trong tiểu thuyết coi nó có gì đặc biệt không thì sẽ bị biến hình thành con lừa như vậy đó.
_Cú lừa thứ hai, mang cái mác là tiểu thuyết trinh thám, nghe tưởng dễ đọc và “bánh cuốn” nhưng không, tiểu thuyết thật sự khiến bạn “đau não” không vì những cú twist nào mà bởi tính uyên bác, sự đồ sộ về “hàm lượng dinh dưỡng” kiến thức mà nó mang lại. Câu chuyện trinh thám chỉ là cái nền để từ đó nhà văn phát triển tối đa các câu chuyện khác, nghĩa là, lồng trong cuộc hành trình điều tra về hàng loạt cái chết bí ẩn ở tu viện của thấy trò thám tử, tác giả muốn kể nhiều hơn các câu chuyện về tôn giáo, văn hoá, triết học và lịch sử.
Vấn đề tôn giáo ở đây đặt ra nhiều câu hỏi: Mọi nỗ lực của con người để thay thế đấng toàn năng có thực sự là vô nghĩa ? Kẻ tự nhận tín đồ của Chúa phải chăng lại là kẻ phản Chúa? Đức tin mù quáng vào chân lý liệu có vô tình tiếp tay cho Quỷ dữ? Tồn tại hay không một quyển sách làm “biến dạng” Thánh Kinh?
Ngoài ra, rất nhiều con số và biểu tượng tôn giáo dưới góc nhìn của kí hiệu học tạo ra những ẩn dụ tuyệt vời và hình thành cái nhìn đa diện, chẳng hạn, số 3 khiến người ta liên tưởng đến đức Chúa 3 ngôi nhưng số 3 còn ám chỉ ba điều dẫn đến địa ngục: sự vu khống, sự tàn nhẫn và lòng thù ghét (lần lượt từng yếu tố đều được bộc lộ rõ nét qua các tình tiết). Tương tự, con số 7, hình ảnh của kì lân, rắn, sư tử,…đều ẩn chứa những thông điệp riêng và tất cả đều khơi gợi sự nhìn nhận từ hai phía sáng– tối, tốt– xấu của mỗi biểu tượng.
Về lịch sử–văn hoá, tác phẩm khắc hoạ lên thế giới kinh viện của các tu sĩ Cơ đốc giáo thời kì trung cổ tối tăm và đầy bí ẩn, khắc hoạ cuộc tranh chấp ngầm giữa Giáo hoàng và Hoàng đế, giữa các dòng tu của Cơ đốc giáo với Giáo hội xung quanh học thuyết khổ hạnh khó nghèo của dòng Dulcinian (Dolcinites).
Về triết học: tác phẩm là quá trình chứng minh rằng nhiệm vụ của người yêu chân lí là phải làm cho “chân lý bật cười”, cái cười là hoài nghi, hoài nghi giúp con người thoát khỏi “sự điên cuồng và đam mê chân lý”.
Trở lại với tiêu đề, vậy “hoa hồng” đã ở đâu trong tiểu thuyết này? Hoa hồng là biểu trưng hay được dùng nhất trong văn hoá phương Tây, chính vì mang nhiều ý nghĩa nên bản thân nó không mang một ý nghĩa gì rõ ràng nữa. Điều này hoàn toàn phù hợp với nội dung của một tiểu thuyết đa nghĩa, một cách khéo léo, hoa hồng đã được “giấu” trong từng trang chữ để người đọc đi tìm và tự khám phá. Đối với mình, hoa hồng là thứ mà “kẻ phản Chúa” đã dâng tặng Người nhưng đồng thời hoa hồng cũng là sự tái sinh từ đống tro tàn trong biển lửa (không gian trong tác phẩm là không gian tu viện, và tu viện – một nơi “linh thiêng bất khả xâm phạm” trong mắt các tu sĩ, lại “bị đe dọa bởi một tai ương tầm thường vốn có thể xảy đến cho một túp lều nhà nông”). Chuyện không thể đã trở thành có thể, nhưng có lẽ trong cái tận số của tu viện, một chân lý khác đã hồi sinh sau nhiều năm bị giam giữ.
Cái hay của tiểu thuyết chính là những độc giả khác nhau sẽ tìm được những giá trị khác nhau khi đọc, tác phẩm có thể sẽ là một tiểu thuyết trinh thám li kì hấp dẫn nhưng cũng sẽ là một tiểu thuyết lịch sử– tôn giáo, nơi vén bức màn bí ẩn của thế giới kinh viện thời kì trung cổ, với những tranh cãi nảy lửa cùng những cuộc tàn sát đẫm máu từ xa xưa quá vãng nhưng sẽ giúp ta hiểu thấu đáo hơn những gì thực sự xảy ra bên trong những tu viện khép kín, trang nghiêm và tĩnh mịch. Dù là vậy, để có thể khám phá trọn vẹn những giá trị mà Umberto Eco cài cắm vào Tên của đoá hồng, tác phẩm sẽ đòi hỏi ở độc giả một sự hiểu biết nhất định về kí hiệu học, Cơ đốc giáo và bối cảnh lịch sử nước Ý thế kỉ XIV cũng như…một chút kiên trì để theo đuổi hành trình lắm lúc sẽ bị lạc lối trong cái “mê cung” mà tác giả tạo ra để kìm giữ và thử thách người đọc.