Mấy ngày nay trong đầu tôi cứ vô thức hiện lên hai từ “đất nước”. Tôi tự vấn xem bản thân đã làm được gì cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn, và làm những gì để hoà chung vào tinh thần phát triển của dân tộc. Nghe có vẻ hơi sáo rỗng nhưng đó thực là những điều đang bay nhảy trong tôi lúc này.
Ngày còn bé, tôi chẳng may may để tâm tới cách mà thế giới xung quanh vận hành. Cứ ngỡ rằng đất nước nghiễm nhiên phải có trách nhiệm với mình. Đến khi nhìn thấy cảnh bom rơi đạn lạc ở nhiều quốc gia khác, nhìn thấy tinh thần kháng chiến thiêng liêng ngày nào, tôi mới thấy hổ thẹn làm sao. Chẳng hạn rơi vào tình huống đó thì cuộc sống của mình sẽ ra sao chứ?
Đạo Phật cũng có nói về Tứ Trọng Ân mà một đời người phải đền đáp. Một trong số đó chính là ơn của Tổ Quốc. Không phải chỉ tính từ khi ta sinh ra, ơn huệ của Tổ Quốc nên được hiểu là trải dài suốt quá trình thành lập và dựng xây đất nước qua từng thời kì khác nhau. Mỗi câu chuyện của tiền nhân để lại đều là những kinh nghiệm sống vô cùng quý báu mà chúng ta có thể học hỏi mà không hề phải trả giá bằng xương máu. Đó cũng là lý do tôi bỏ lại cơ hội du học nước ngoài để được ở lại, được hoà mình vào dòng chảy của dân tộc.
Tinh thần dân tộc cũng chính là những gì mà tôi cảm nhận được qua cuốn sách “Thế giới quả thực rộng lớn và có rất nhiều việc cần phải làm” của ông Kim Woo Choong – người thành lập tập đoàn Daewoo. Cuốn sách là những dòng tâm sự gần gũi của ông về quá trình xây dựng xây dựng Daewoo thuở sơ khai cho tới khi trở thành tập đoàn hàng đầu của một Hàn Quốc phát triển. Ở khía cạnh nào đó, cuốn sách còn giống như bức tâm thư gửi gắm tới thế hệ tiếp nối của Hàn Quốc vậy.
Điều tôi cảm thấy thú vị ở tác giả là ông luôn trong tâm thế háo hức đến kì lạ. Chẳng có chuyến du lịch an nhàn nào cả, chẳng có phần thưởng tri ân cho đóng góp của ông, và tuyệt nhiên cũng chẳng có những chiến tích đầy tự hào về bản thân mình. Ông đơn giản là luôn trong tâm thế trẻ trung và trân trọng thời gian. Trong khi nhiều người tự hài lòng với thành quả nho nhỏ mà mình đạt được thì ông Kim Woo Chooong luôn làm việc như mọi thứ chỉ mới bắt đầu vậy. Thật khó để tưởng tượng một người đàn ông dành tới 200 ngày ở nước ngoài trong một năm. Chắc hẳn ông đã phải hy sinh rất nhiều điều cho hoài bão của mình.
Chính cái cách ông chia sẻ cũng vô cùng gấp rút, giống như ông chỉ sợ ngày mai sẽ không còn cơ hội chia sẻ vậy. Điều này bất giác làm tôi liên tưởng tới tâm sự của cổ nhân vậy, chắc hẳn họ cũng có đôi chút lo lắng về nghiệp nước sau này. Đặc biệt là trong thời đại mà chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều bởi văn hoá phương Tây, chẳng hạn như chính tinh thần vị kỉ. Nhìn cái cách mà chúng ta quẳng vào nhau những lời lẽ phân biệt vùng miền trong dịch bệnh là thấy phần nào sự nguy hiểm đối với tính đoàn kết của dân tộc rồi.
Và còn rất rất rất nhiều điều chúng ta phải cẩn trọng khi thu nạp những kiến thức này. Bởi đời sống hiện nay đã khác xa rồi cái thời một kẻ mạnh làm chủ mọi thứ. Cũng chẳng có kẻ nào là tuyệt đối thông tuệ hơn người khác. Những kẻ ngông cuồng rồi sẽ “chết yểu” như là câu nói của tác giả:
“Cơm mà đã rơi vào thùng rác thì chẳng thể nào ăn được nữa”.
Trở lại những suy tư ban đầu, đất nước Việt Nam có thể phát triển lên đỉnh cao được hay không phụ thuộc rất nhiều vào những người trẻ như chúng ta. Thay vì ganh ghét đố kị lẫn nhau, ta nên nhìn nhận lại khả năng của chính bản thân mình và đặt mình vào đúng nơi đúng chỗ vì một mục tiêu chung to lớn hơn.
“Tuổi trẻ không có ước mơ thì không phải là tuổi trẻ.
Ước mơ là điều tối quan trọng cho tuổi trẻ.
Tuổi trẻ chính là ước mơ và lịch sử thuộc về những người biết ước mơ”.