Tôi có thói quen hơi kỳ lạ khi đọc sách, đó là, nếu một cuốn sách có lời bạt, hay phần cảm nhận ở cuối, thì nhất định tôi sẽ đọc phần đó trước khi bắt đầu đi vào nội dung chính. Tất nhiên, không có ngoại lệ với “Thư” của Keigo Higashino. Vì vậy tôi sẽ cảm nhận cuốn sách này theo trình tự hơi khác thường một chút.
Mở đầu cuốn sách là câu chuyện về việc lựa chọn diễn viên cho bộ phim “The day in the Life” mà nhân vật chính là John Lennon. Diễn viên được lựa chọn sau buổi casting là một người có ngoại hình gần giống John. Nhưng điều đáng nói ở đây là, anh chàng diễn viên này sau đó đã bị sa thải, chỉ vì anh tên là “Mark David Chapman”, trùng hợp thay, đó cũng là tên của kẻ đã sát hại John. Vì lẽ đó, tất nhiên, anh ta không thể được lựa chọn. Anh ta đã bị từ chối vì một lỗi lầm không phải do mình gây ra. Đây cũng chính là chủ đề xuyên suốt trong “Thư”. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới ca khúc “Imagine” của John Lennon, bài hát này chính là ca khúc chủ đề của cuốn sách. Những “imagine” trong bài hát như nói lên tiếng lòng của Naoki, nhân vật chính của “Thư”.
Sau khi đọc xong phần cảm nhận, gần như ngay lập tức, tôi bật ngay “Imagine” và cài “repeat mode”. Cho đến khi gấp lại cuốn sách, “Imagine” dường như vẫn văng vẳng bên tai. Và ngay tại lúc này đây, khi viết những dòng review này, tôi vẫn đang đắm mình trong giai điệu yên bình của bài hát này, cùng những con chữ và dòng suy nghĩ về “Thư”.
“…Imagine there’s no countries
It isn’t hard to do
Nothing to kill or die for
And no religion too
Imagine all the people living life in peace, you
It isn’t hard to do
Nothing to kill or die for
And no religion too
Imagine all the people living life in peace, you
You may say I’m a dreamer
But I’m not the only one
I hope some day you’ll join us
And the world will be as one…”
But I’m not the only one
I hope some day you’ll join us
And the world will be as one…”
Nội dung của “Thư” kể về câu chuyện cuộc đời của hai anh em mồ côi sống nương tựa vào nhau, Tsuyoshi và Naoki. Hay nói rõ hơn là câu chuyện về những lá thư từ trong tù của Tsuyoshi gửi cho em trai và cuộc sống gặp đầy rẫy những “sự bất công” của Naoki. Tất cả bắt nguồn từ mong muốn có tiền để em trai ăn học mà Tsuyoshi đã “túng quá làm liều”, quyết định trộm một gia đình giàu có, để rồi vô tình mắc phải tội sát nhân kèm theo bản án ngồi đếm lịch tới tận mười lăm năm.
Những bức thư được gửi đi đều đặn hàng tháng, những câu chuyện trong bức thư của Tsuyoshi gần như không có gì đặc biệt, có gì hay ho trong tù để kể đâu cơ chứ, ít nhất với Tsuyoshi thì đúng là vậy. Nhưng những bức thư này lại rất quan trọng. Nó là sợi dây liên kết duy nhất để anh giữ liên lạc với em trai mình, với thế giới bên ngoài song sắt kia. Mở đầu cho mỗi bức thư đều là câu hỏi thay cho lời chào “Naoki à, em khỏe không?”. Nó thể hiện chính xác nhất nguyện vọng của người anh trai tội lỗi, anh chỉ mong muốn em trai mình luôn mạnh khỏe, và sống thật tốt mà thôi. Có thể nói đây cũng chính là nội dung và thông điệp gần như duy nhất của Tsuyoshi muốn dành cho em trai của mình qua những bức thư.
Nói về Naoki, thực sự đây là một người rất kiên cường. Trong suốt một thời gian rất dài, anh luôn phải sống chung với những bất công, những sự từ chối, mà lý do sâu xa là do người anh trai tù tội. Bắt đầu từ việc phải từ bỏ việc học, rồi bị mất việc ở cửa hàng làm thêm, chia tay người yêu,… Tất cả chỉ bởi một lẽ, “Xã hội này chẳng thể loại bỏ nổi sự phân biệt đối xử”. Chính Naoki đã bật thốt lên câu nói này khi bị anh bị loại bỏ khỏi ban nhạc, bị chấm dứt ước mơ trở thành ca sĩ của mình. Hay khi phải chia tay Asami, người mà anh đã có ý định kết hôn, Naoki cũng đã không còn cảm thấy tổn thương như trước nữa. Dù sao thì “Tôi đã quen với việc từ bỏ rồi. Naoki cười nhạt”. Đọc tới đây, tôi bỗng thấy nghẹn trong lòng, một người đã phải đối mặt với biết bao sự bất công mới có thể nói lên một câu như vậy, hơn nữa anh lại cười nhạt, chỉ coi đó như một chuyện quá đỗi quen thuộc.
Có một nhân vật chỉ xuất hiện rất ít, nhưng với tôi, đó chính là mấu chốt để tháo gỡ những vướng mắc trong tâm lý của Naoki, đó là chủ tịch Hirano. Ông đã nêu lên một quan điểm rất thực tế.
“Họ kì thị cũng là lẽ đương nhiên”…
“Hầu hết mọi người đều muốn tránh xa những kẻ phạm tội”…
“Loại bỏ tội phạm và những người có liên quan là hành động đúng đắn. Hay có thể coi đó là bản năng tự vệ”…
“Vấn đề không phải cứ vào tù là xong. Họ phải hiểu rằng sự trừng phạt không phải chỉ nhắm vào mỗi mình họ”.
Những lời nói của vị chủ tịch với Naoki như những thông điệp của Keigo Higashino muốn truyền tải đến người đọc. Trước khi làm điều gì không tốt, hãy nghĩ tới những người thân của mình, bởi lẽ, hậu quả mà chúng ta gây ra không chỉ do mỗi chúng ta gánh chịu. Tới đây có lẽ chúng ta có lẽ cũng sẽ thấy bớt trách móc với những người đã lựa chọn “cách ly” Naoki. Tuy rằng có những người thực sự đã thực hiện “cách ly” hơi quá mức, nhưng tất cả đều chỉ xuất phát từ bản năng tự vệ. Suy cho cùng, họ không có lỗi. Nói tới đây, tôi lại liên tưởng tới lời khuyên mà mình thường nói với những người em, những người đi sau mình, đó là, “Đừng trách mọi người vì họ không đối xử tốt với mình, vì họ vốn dĩ không có trách nhiệm đó. Họ không giúp đỡ mình không hẳn đã là người xấu, chỉ là họ chưa đủ tốt mà thôi. Chính vì vậy, hãy thực lòng biết ơn và trân trọng những người đối xử tốt với mình.”
Câu chuyện về sự kì thị còn theo đuổi tới cả thế hệ sau, tới con gái của Naoki. Chúng ta có thể lý giải phần nào về quyết định xa lánh, cắt đứt liên hệ với anh trai của Naoki. Mỗi người khi đọc “Thư” đều sẽ có cảm nhận riêng của mình đối với cách hành xử này của Naoki, có thể là trách móc, có thể là đồng cảm. Suy cho cùng, chúng ta cũng chỉ là những người ngoài cuộc, những người quan sát câu chuyện mà thôi, thật khó để phân định những hành động của Naoki là đúng hay sai. Tsuyoshi và Naoki, cả hai đều vừa đáng thương, lại vừa đáng trách, chỉ là chúng ta không thể định lượng được phần nào nhiều hơn mà thôi, vả lại, việc này cũng không quan trọng.
Nói thêm về những nhân vật trong truyện. Có những người xuất hiện xuyên suốt câu chuyện. Yumiko, vợ Naoki, người đã theo sát Naoki, bên cậu những lúc cậu cần nhất, và cũng là người sẽ gắn bó với cậu suốt đời. Hơn ai hết, Yumiko là người thấu hiểu và đồng cảm nhất với Naoki, vì họ đều ở những hoàn cảnh gần giống nhau. Yusuke, bạn thân Naoki, người ấp ủ giấc mơ âm nhạc cũng Naoki, cậu cũng là một trong số ít những người không để tâm tới hoàn cảnh đặc biệt của Naoki.
Cũng có những nhân vật chỉ xuất hiện trong một phân đoạn, nhưng ảnh hưởng của họ tới bố cục truyện là không nhỏ. Điển hình là chủ tịch Hirano như đề cập ở trên. Thầy giáo Umemura cũng là người tốt, người đã tạo điều kiện giúp đỡ Naoki rất nhiều. Hay là Asami, người đã mang tới tình yêu cho Naoki, cô cũng không hề bận tâm tới hoàn cảnh của Naoki. Asami là một cô gái xinh đẹp, dám yêu dám hận, đâu đó vẫn có những nét kiêu kỳ của tiểu thư nhà giàu. Dẫu biết cô chỉ là một điểm nhấn trong cuốn sách, nhưng tôi vẫn thấy có gì đó bứt rứt về sự chia tay của hai người, dù cho đó là lẽ tất yếu.
Về những chi tiết nhỏ trong câu chuyện. Túi hạt dẻ xuất hiện trong phần đầu cuốn sách là nguyên nhân dẫn tới việc Tsuyoshi phạm tội sát nhân. Nếu Tsuyoshi không nhớ tới túi hạt dẻ, thì có lẽ đã không có câu chuyện này. Nó tượng trưng cho tình thương mà Tsuyoshi dành cho em trai của mình, chỉ vì nghĩ tới khuôn mặt rạng rỡ của em trai khi thấy túi hạt dẻ mà anh đã quay lại để rồi gây ra tội lỗi không thể tha thứ. Tôi cũng muốn nói đến cái chết của người bố, tuy rằng đây chỉ là câu chuyện nhỏ nhặt bên lề. Ông chết do tai nạn giao thông, ngủ gật trong lúc lái xe. Đây là hệ quả của việc bị bóc lột sức lao động quá mức, chủ đề cũng đã được nói đến trong “Bí mật của Naoko”, một tác phẩm rất hay khác của Keigo Higashino. Có lẽ tác giả cũng muốn nhắc tới vấn nạn này trong xã hội Nhật, tôi chờ mong Keigo sẽ có riêng một cuốn sách để nói về vấn đề này.
Kết thúc cuốn sách là cảnh Naoki hát ca khúc “Imagine”. Khi tình cờ bắt gặp anh trai mình trong đám đông phía dưới, Naoki đã không thể nào bật lên tiếng hát. Mà chỉ có thể nghẹn trong lòng: “Anh ơi! Naoki thầm gọi trong tim. Anh ơi, tại sao chúng ta lại sinh ra trên đời này?” Naoki không thể cất tiếng hát, ở đây có thể hiểu theo hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là, những mong ước như trong bài hát, ước mơ về một xã hội công bằng, không có sự phân biệt đối xử, vốn dĩ không thể thành hiện thức, nó mãi mãi chỉ có trong bài hát, trong sự tưởng tượng mà thôi. Còn về khía cạnh thứ hai, anh không thể cất tiếng hát, chỉ đơn giản, bởi lẽ những tưởng tượng đó đã không còn quan trọng nữa, khi mà cuối cùng Naoki đã gặp lại anh trai mình. Những cảm xúc mà anh kìm nén hơn chục năm qua, cuối cùng đã được giải phóng. Rồi sau đây, anh sẽ thật sự cắt đứt với người anh tù tội, hay sẽ mở rộng vòng tay đón chào người anh và đáng thương vừa đáng trách trở về từ chốn ngục tù?!
Tôi muốn nói thêm một chút nữa về lời đề tựa cho “Thư”, xin phép được trích dẫn dưới đây. “Nhưng bị cầm tù mười lăm năm, không thể bước ra ngoài song sắt, Tsuyoshi vẫn có cách để cầm tù từ xa những người vô tội mười lăm năm, từ người không quen đến người gần gũi hắn nhất”. Nếu xét về khía cạnh marketing, thì đây hẳn là một lời đề tựa hoàn hảo, nó gợi sự tò mò kích thích người đọc. Nhưng với bất kỳ một ai sau khi đã gấp lại cuốn sách này thì đều sẽ phần nào cảm thấy bực bội phần nào về lời đề tựa này. Tsuyoshi từ một người bị động đã vô tình trở nên chủ động “cầm tù từ xa” người khác. Tuy không quá quan trọng, nhưng bản thân tôi thực sự không hài lòng với lời đề tựa này.
Sau tất cả, “Thư” xứng đáng là một tác phẩm đáng đọc, đáng xem (tác phẩm đã được chuyển thể thành phim) và đáng nghiền ngẫm. Một áng văn trần trụi, một tấm gương phản chiếu xã hội thật đến không thể thật hơn.