Rất nhiều năm sau lần đọc đầu tiên, mình vẫn lần giở từng trang sách, đổi từ cuốn bìa mềm sang bìa cứng, cố tưởng tượng thật lãng mạn về màu “tro của hoa hồng” và tự huyễn hoặc, ít ra Meggie và Ralph vẫn bị ràng buộc bởi chữ yêu và là những thứ đẹp nhất trong cuộc đời của nhau. Chiếc gai to nhất trong tiểu thuyết không phải vì Ralph là người của chúa, tình yêu với chúa là tình yêu lớn nhất, mà, tình yêu với Meggie là tình yêu thứ phát, trong trẻo quá đỗi, nhưng tiếc thay tình yêu đó không đủ để ông từ bỏ tôn giáo, sứ mệnh của mình để cất lên tiếng ca êm ái nhất, hay nhất của loài người. Và rồi, chỉ Meggie dám hát lên bài ca ấy và ngấm dần sự đau đớn, nghiệt ngã, bi thương trong suốt một kiếp người.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ khi còn là một đứa trẻ Meggie thừa hưởng từ mẹ tính cam chịu, nhu mì, sẵn sàng đón nhận xui xẻo, bất công. Ấy là khi bị các anh phá con búp bê trong dịp sinh nhật lần thứ tư, bị đánh vào tay khi lần đầu tiên đến trường vì trót nôn vào trang phục của sơ, buộc tay trái vào ghế khi tập viết tay phải, hay bị bố khá thô bạo khi đầu có chấy vì bị lây từ bạn cùng trường. Nếu như mẹ Fiona là người tận tụy với gia đình nhưng khô khan, cố chôn chặt cảm xúc, được nhắc tên nhiều mỗi kỳ sinh đẻ thì bố Padraic cộc cằn, thô lỗ, quanh năm chỉ biết làm việc và không mấy quan tâm đến các con; nếu như Frank khá tốt, vì nóng tính mà phải đi rất xa, gặp khá nhiều giông bão để rồi lại trở về thì những người anh em khác như Bob, Jack, Hughie, Stuart, Jimes, Pasty nghịch ngợm khi bé, mờ nhạt, trầm tính khi lớn, ấy chính là những gợn sóng đủ để không mấy bình yên trong cuộc đời Meggie.
Niềm vui và an ủi lớn nhất của Meggie là được chuyện trò với cha Ralph khi gia đình chuyển sang Úc, khiến tuổi thơ của cô bớt tầm thường, ngờ ngệch. Cha Ralph từ một người bạn duy nhất trở thành tình yêu bất tận của Meggie; Meggie từ đứa bé gái gần như bị hắt hủi bởi những người đàn ông trong gia đình (ngoại trừ Frank, Stuart khá dịu dàng với cô), trở thành nốt nhạc vui duy nhất trong cuộc đời trầm buồn của một người đàn ông khác. Hai con người khác biệt về thế hệ, hoàn cảnh, suy nghĩ nhưng đồng điệu trong tâm hồn, tình yêu mãi không thể đến với nhau bởi cuộc đời của cha Ralph đã được mặc định, nơi đó không thể có mặt Meggie. Bụi mận gai, nơi “hẹn hò” của hai người mỗi lần Ralph đến trang trại, đã vô hình đâm vào họ ngay từ khi bắt đầu mà cả hai người dẫu biết vẫn không có cách nào dừng lại được. “Nỗi đau tuyệt vời” mà mọi người vẫn thường nói tới trong tác phẩm là cái cách Meggie yêu, đấu tranh vì tình yêu và ý chí mạnh mẽ, dám đánh cắp thứ thiêng liêng nhất của chúa, của người mình yêu, điều vốn dĩ nên có giữa hai người. Đó còn là khi trái tim cha Ralph hằn khắc đôi mắt của Meggie, những giây phút phản bội lại chúa để làm một người bình thường, được yêu chính đáng và chính đáng đón nhận tình yêu. Hạnh phúc lớn nhất của họ là đoạn thời gian ở đảo Matlock, nơi họ được sống hết mình vì tình yêu, hai trái tim quyện làm một, ngọt ngào và cố chấp.
Đi cả một đời, thành quả duy nhất Meggie có được là sự có mặt của Justine và Dane, hai đứa trẻ không đơn thuần chỉ là sự tiếp nối thế hệ trong gia đình Cleary. Justine là kết quả của cuộc hôn nhân giữa Meggie và người chăn cừu Luke O’Neill, mà ngay sau khi kết hôn cô chỉ nhìn thấy sự tằn tiện, ích kỷ, khốn nạn của hắn. Justine cá tính, cũng giống như Meggie, yêu em vô điều kiện, dám đấu tranh và sống với ước mơ, hoài bão của mình. Ngược lại, Dane là món quà tuyệt nhất Meggie có được, được sinh ra bởi sự phi thường, được nuôi dưỡng bằng khát khao hạnh phúc và con tim yêu đau đớn của một người đàn bà. Dane chết khi cố làm điều nên làm nhất của một đứa con chính nghĩa của chúa, mà không hề biết rằng mình được di truyền điều đó từ cha. Cái chết ấy gần như giết chết Meggie, giáng đòn cuối cùng làm gục ngã trái tim của Ralph, khiến cho tình yêu của Meggie và Ralph trở thành niềm đau bất tận trong văn học cổ điển.
Với Tiếng chim hót trong bụi mận gai, điều mình hận nhất là xem phim trước khi đọc tiểu thuyết, để chỉ đến khi cầm cuốn sách trên tay mới thấy hết được vì sao có thể biện hộ cho cái sai trong tình yêu này, sự sâu sắc, táo bạo của một tác giả nữ và sự vĩ đại, đẹp đẽ của một tác phẩm kinh điển.