Tôn Giáo

“Tôn giáo – khái lược những tư tưởng lớn” là một tác phẩm được cả “thanh” và “sắc”, dễ dàng quyến rũ bạn

Tôn Giáo Sách

Thanh

“Tôn giáo – khái lược những tư tưởng lớn” khái lược các tư tưởng tôn giáo tiêu biểu trải dài theo dòng thời gian từ thời tiền sử đến thời hiện đại, trải rộng theo không gian trên khắp các châu lục trên thế giới. Điểm tôi đánh giá cao ở tác phẩm này là tính bao quát và khách quan của nó khi phân bố thời lượng đồng đều dành cho những tôn giáo lớn có tầm ảnh hưởng toàn cầu hiện tại như: Đạo Hindu; Đạo Cơ Đốc; Đạo Do Thái; Đạo Hồi vv… Điều này vô cùng quan trọng đối với một công trình khảo cứu khoa học, nơi người ta càng phải hạn chế đưa các quan điểm cá nhân của mình vào tác phẩm càng nhiều càng tốt.
Trước đây tôi cũng đã đọc một số tác phẩm khái lược và lược sử khác về đề tài tôn giáo, tuy mang danh khái lược và lược sử nhưng lại dễ dàng nhận ra đấy chỉ là “made in China” hay chỉ là “Cơ Đốc giáo và những người bạn” vì tác giả bộc lộ quá nhiều quan điểm cá nhân khiến các tác phẩm đó mất hẳn đi tính khách quan.

Sắc

Để hỗ trợ, tiếp sức cho phần “thanh”, “Tôn giáo – khái lược những tư tưởng lớn” còn có phần “sắc” cực kỳ khoa học và đặc sắc gồm:
+ Những sơ đồ hệ thống nội dung giúp dễ nắm bắt nội dung.
+ Những Logo giúp bạn ghi nhớ các biểu tượng.
+ Chân dung các giáo tổ.
+ Những hình ảnh về sinh hoạt tôn giáo.
[Tôi có chụp ngẫu nhiên vài bức hình trong sách để bạn đọc dễ hình dung phần “sắc” đặc sắc này] Nếu so sánh phần “thanh” của “Tôn giáo – khái lược những tư tưởng lớn” như giọng hát của một diva thì phần “sắc” của tác phẩm chính là sân khấu biểu diễn được trang trí rực rỡ, trang điểm và phục trang bắt mắt của nghệ sĩ, vũ đoàn ăn ý, hiệu ứng ánh sáng hướng trọng tâm vào diva. Tất cả hòa hợp tạo nên một show diễn đã mắt, đã tai, bùng nổ cảm xúc.

Đầu năm 2019 tôi có vào tp Hồ Chí Minh, đối diện khách sạn tôi ở có một thánh đường Hồi giáo, trên đoạn đường đi taxi từ khách sạn tới Dinh Độc Lập có đi qua một thánh đường Hindu giáo. Tôi mắc cái bệnh thích nói chuyện, vừa ngồi trên xe vừa nói chuyện về hai tôn giáo đó với anh tài xế. Anh tài xế chia sẻ anh là một tín đồ Hồi giáo, anh khá ngạc nhiên vì lần đầu có khách đi xe nhìn thoáng qua đã phân biệt được giáo đường đạo anh theo và giáo đường đạo Hindu. Hôm đó anh đã cao hứng nên chia sẻ khá nhiều giúp tôi thêm hiểu hơn về tôn giáo của anh. Đúng là tôn giáo chỉ nhạy cảm khi người ta tuy thiếu hiểu biết nhưng lại cố nhét quá nhiều quan điểm cá nhân vào đề tài đó mà thôi.
Tôi xin kết thúc bài chia sẻ bằng một câu nói của đức Khổng Tử, ông tổ của Nho giáo mà tôi rất thích:
“Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.”
[Trích: “Luận Ngữ” của Khổng Tử] Tạm dịch: “Điều bản thân mình không muốn thì đừng làm với người khác.”