Trí tuệ Do Thái

Bạn biết không 1/3 số lượng triệu phú ở Mỹ và 20% các giáo sư đầu ngành ở các trường đại học tại Mỹ là người Do Thái. Con số này cho thấy rằng tuy người Do Thái họ chỉ chiếm số lượng rất ít nhưng dân tộc Do Thái chính là dân tộc tài năng và giàu nhất thế giới. Bí mật này nằm ở đâu vậy, chúng ta hãy cùng Eran Katz tìm hiểu qua nhân vật Jerome nhé. Đây là một chàng trai có gu ăn mặc lố lăng, gần như lúc nào anh ta cũng diện độc nhất một chiếc quần bò bạc phếch, với đủ loại áo phông in hình kỳ dị với những câu khẩu hiệu mà anh ta hăng hái quảng cáo và tiếp thị. Anh ta cũng rất ham mê thể thao và đặc biệt là môn bóng đá. Ẩn dưới cái vẻ ngoài buồn cười đó anh ta có được một động lực thật đặc biệt dựa trên một vụ cá cược giữa anh ta với hai người bạn thân là trong vòng ba năm anh ta sẽ tích cực làm ăn để có một tài sản trị giá 50 triệu đô la đồng thời theo học một khóa Quản trị kinh doanh và thi lấy bằng Thạc sĩ, nhưng theo cách mà những người Do Thái thường làm. Rốt cục Jerome đã làm được nhiều hơn thế, chỉ hai năm anh ta đã kiếm được 20 triệu đô la, và đến năm thứ ba anh đã làm đủ mọi thứ cam kết.

Tri tue do Thai

Mười sáu chương sách như mười sáu bước giúp chúng ta đi cùng với Jerome từ lời cam kết của anh đến khi anh thực hiện được đầy đủ những mục tiêu mình đề ra. Chúng ta tưởng chừng đó chỉ là những câu chuyện đời thường về cuộc sống của mỗi người từ công việc đến gặp bạn bè đến chia sẻ những điều trong cuộc sống. Nhưng những điều giản dị này lại chứa đựng những bài học rất ý nghĩa mà mỗi người chúng ta đều có thể áp dụng để quản lý cuộc sống của mình trở nên hiệu quả hơn. Người Do Thái có một trí tưởng tượng đặc biệt, họ tin rằng trí tưởng tượng chính là sức mạnh. Một điều không logic cũng có thể trở nên logic nếu bạn có một trí tưởng tượng sáng tạo.

Mọi người thường bảo bạn phải đặt ra một mục tiêu thực tế và nghĩ đến những cách thực tế để đạt mục tiêu đó. Ý tưởng cơ bản của người Do Thái là: Hãy tưởng tượng ra điều ngớ ngẩn nhất có thể. Hãy đặt một mục tiêu phi thực tế đến không tưởng, và sau đó hãy suy nghĩ một cách thực tế bề việc bạn có thể đạt được điều đó bằng cách nào, bởi vì không gì là không thể cả.

Nguyên tắc trí tưởng tượng mang ý nghĩa tiên tri – nhận thức điều bất khả thi bằng phương pháp khả thi.

Nguyên tắc thứ hai chính là nguyên tắc của người sống sót. Nếu bạn luôn hài lòng về những gì mình đang có thì bạn sẽ mất đi ý trí phấn đấu và dần dần những tài năng trong con người bạn cũng bị thui chột theo độ lì của việc thỏa mãn với những gì mình đang có. Thói quen và cảm giác thoải mái làm mọi thứ biến dạng. Hãy tiếp tục lang thang, cả về thể xác và tinh thần, để trải nghiệm những điều mới mẻ. Đừng bao giờ để mình cảm thấy hài lòng, thỏa mãn hay đạt đến độ thoải mái và đảm bảo về tài chính! Hãy đặt cho mình những mục tiêu mới, những sự bứt phá mới để bản thân mình luôn tiến về phía trước dù bạn có là ai và bạn đang bao nhiêu tuổi, hãy phấn đấu đến cùng.

Nguyên tắc thứ ba chính là sự hiểu biết, tác giả viết rằng để học tập mãi mãi, hãy đưa ra những câu hỏi và không bao giờ được coi bất cứ điều gì là hiển nhiên. Bạn có thấy sự khác biệt giữa trẻ con là gì không? Đó là trẻ con rất hay hỏi, rất hay có câu : “Mẹ ơi tại sao? Tại sao thế hở mẹ” chúng luôn thắc mắc những điều xung quanh chúng còn chúng ta thì không. Tại sao vậy, phải chăng khi càng lớn chúng ta càng giấu mình đi, che đậy đi những lỗ hổng của kiến thức mà không biết rằng nếu chúng ta không tìm hỏi học hỏi thì nó sẽ không bao giờ tự dưng được lấp đầy. Chúng ta ngại bị người khác biết rằng mình không biết. Không dám nói rằng tôi không biết nên cứ để mọi thứ trôi qua và rồi chúng ta vẫn không biết nó là gì.

Nguyên tắc thứ tư, nguyên tắc về sự nâng cấp : “Chẳng việc gì phải phát minh ra một loại bánh xe khác. Tốt hơn hết là đúng cái đã có sẵn nhưng theo cách phù hợp nhất với nhu cầu của riêng mình”. Nguyên tắc cuối cùng là về nguồn cảm hứng: “Hãy tìm cho mình một hình mẫu để bắt chước, bước những bước của người đó (nhưng không phải hoàn toàn mù quáng, và trên đường đi hãy thêm những sáng tạo, cải tiến của bản thân). Chúng ta không thể làm tốt một điều gì nếu chúng ta không để tâm vào điều đó hay chỉ đơn giản là chúng ta không thích làm điều này. Hãy tự tạo cảm hứng cho công việc của mình, nếu cảm thấy mất hứng thú, hãy dừng lại nghỉ ngơi một chút rồi quay lại với công việc với một thái độ khác hơn. Hãy làm tốt nhất trong khả năng của bạn.

Dưới đây mình sẽ trích 15 điều mà tác giả đã chắt lọc trong cuốn sách để có một trí nhớ tốt theo phương pháp của người Do Thái các bạn hãy thử xem hiệu quả thế nào nhé.
1. Phải có niềm tin vào trí nhớ của mình và dựa vào trí nhớ đó.
2. Hãy viết rõ ràng, dễ đọc bằng mực đen trên nền giấy trắng.
3. Hãy đọc cùng một Hevrutah, nói to trong khi đọc và nói có ngữ điệu.
4. Hãy học trong lúc tản bộ hoặc đung đưa người, và học trong tâm trạng vui vẻ.
5. Hãy học ở nơi cho bạn nguồn cảm hứng, trái tim bạn phải muốn có mặt ở nơi đó.
6. Hãy tránh xa sự phiền toái chúng chỉ làm phân tán sự chú ý của bạn mà thôi.
7. Hãy áp dụng những phương pháp làm tăng khả năng tập trung: một lời cầu nguyện, một bài hát hay bất cứ điều gì cho bạn động cơ học tập.
8. Hãy bắt đầu bằng một thứ gì đó dễ thôi nhưng phải thú vị.
9. Thà học hai tiếng trong khi năng lượng dồi dào còn hơn là học năm tiếng mà cơ thể mệt mỏi.
10. Khi học, hãy lướt cùng con sóng của tài liệu học tập. Khi năng lượng đã cạn, hãy nghỉ giải lao để cho đầu óc thảnh thơi.
11. Hãy tóm tắt những khái niệm, chú ý bằng từ ngữ chủ đạo có thể giúp khởi động trí nhớ của bạn sau này.
12. Hãy tạo ra một chuỗi các từ chủ đạo bằng một câu chuyện liên tưởng.
13. Hãy sắp xếp thông tin một cách logic – theo nhóm và theo thứ tự thời gian, v..v..
14. Hãy sử dụng từ ngữ viết tắt, những biểu tượng đối lập và biểu tượng song song.
15. Luôn luôn nhắc lại và ôn luyện thường xuyên.

Sau khi đọc các nguyên tắc này mình cũng đã bắt đầu thử áp dụng chúng vào thực tế của mình và thấy khá thú vị. Cách ghi chép của mình đã thay đổi mình không còn ghi bừa bộn mà có ý hơn, cuối mỗi trang mình sẽ thường có những note nhỏ, chính những điều đó giúp cho việc ôn tập của mình nhanh và hiệu quả hơn. Mình cũng đã có thể nhớ được nhiều hơn khi đọc các con số bằng việc áp dụng cách tưởng tượng về cách con số, thật sự nhiều khi nhớ lại được các dãy số vì những ý nghĩ tưởng tượng hài hước mà mình gán cho nó. Mình không còn ngồi liên tục học trong một thời gian dài nữa, mình sẽ chia khối lượng công việc ra thành 25 phút tập trung một và quả thật hiệu quả hơn khi mà mình tập trung hết mình vào trong 25 phút để giải quyết công việc của mình. Bằng việc khẳng định mình, tin vào bản thân là mình có một trí nhớ tốt mà mọi việc mình đã giải quyết được tốt hơn, mình đã biết ưu tiên công việc và giành cho chúng những khoảng thời gian nhất định. Mình không còn lao vào phần khó ngay từ đầu nữa mà mình nâng dần cấp độ để duy trì sự kiên trì cho bản thân. Thật sự 15 phương pháp rất hiệu quả đối với mình.

Có rất nhiều phương án để ghi chép hiệu quả hơn, để bạn tập trung hơn vào công việc của mình để bạn nhận ra được đâu là lợi ích thật đằng sau mỗi điều bạn làm. Phía dưới 15 nguyên tắc trên tác giả có rất nhiều gạch đầu dòng cho bạn đọc, bạn có thể đọc và áp dụng một phương pháp hiệu quả nhất đối với bản thân mình. Không chỉ chi tiết rõ ràng mà các phương pháp thật sự rất hữu dụng đối với mỗi chúng ta. Làm thế nào để nghỉ ngơi cho hiệu quả, hay khi tập trung cho công việc bạn cần phải có những điều gì? Toàn bộ những điều này đều được tác giả chia sẻ qua 15 chương sách.

Bạn sẽ trở nên thông minh hơn khi bạn biết sử dụng trí tuệ của mình đúng cách. Cuốn sách này không chỉ giành cho các bạn trẻ đang loay hoay sắp xếp giữa việc học và hoạt động của mình sao cho cho hiệu quả tối ưu mà còn là cuốn sách giành cho những người kinh doanh, những người muốn tối ưu thời gian biểu của mình. Bạn sẽ học được cách ghi chép nhanh hơn, hiệu quả hơn, sẽ sáng tạo hơn trong cách viết của mình sao cho viết nhanh mà dễ hiểu. Sẽ biết được làm thế nào để tự động viên hay tự tìm nguồn sáng tạo cho mình. Và còn nhớ được cả một dãy số rõ dài qua một lần đọc nữa.

Kết:
Cuốn sách cho ta thấy được sự thông minh của người Do Thái trong cách họ quản lý thời gian, công việc và cuộc sống của họ. Đồng thời cũng giúp chúng ta hiểu rằng không có ai giỏi hơn ai ngay từ đầu. Chúng ta đều có xuất phát điểm bằng nhau, nhưng lại đạt được các kết quả khác nhau bởi vì chúng ta nỗ lực không giống nhau. Và nếu nỗ lực của bạn với người khác là như nhau nhưng bạn vẫn không đạt được kết quả cao hơn họ chỉ vì phương pháp của bạn chưa tối ưu nhất. Đừng hài lòng với những gì mình đang có, hãy bứt phá và sáng tạo ra những gì bạn mong muốn.