Với cấu trúc đặc biệt, “Vòm Rừng” của Richard Powers là câu chuyện khổng lồ, mượn cuộc đời của 9 nhân vật có mối liên kết đặc biệt với cây cối, nằm ngoài tất cả, vượt lên thế giới loài người, cuốn tiểu thuyết là một ẩn dụ lớn về “cây thế giới”, “cây vũ trụ” mà trong đó, từng câu từng chữ, từng câu chuyện nhỏ lẻ của các nhân vật, lại là những tầng ẩn dụ khác nhau. Ẩn dụ tầng tầng lớp lớp, từ cách sử dụng ngôn từ, cách ví von, tên loài cây nhắc tới cho đến đặc trưng câu hay cả những lồng ghép điển tích, thần thoại thế giới.
1. Ẩn dụ lớn nhất: Cây vũ trụ.
Bạn đọc có thể nhận ra, cấu trúc của Vòm Rừng được chia ra các phần rất rõ ràng trong dáng hình một cái cây: Gốc rễ, Thân, Cành, Ngọn, Những hạt giống.
Trong cuốn sách nhắc rất nhiều đến cây thế giới này, tôi hiển nhiên tin rằng Richard Powers lấy cảm hứng từ cây Yggdrasil (cây vũ trụ) và sự kết nối cửu giới trong thần thoại Bắc Âu. Đặc biệt là với sự cố tình xây dựng 9 nhân vật với 9 tính cách, đặc trưng của 9 loài ở 9 thế giới:
– Niflheim (thế giới của bóng tối và băng giá),
– Muspelheim (thế giới của lửa và nhiệt),
– Asgard (thế giới của các vị thần Esir – thần chiến tranh),
– Midgard (thế giới loài người),
– Jotunheim (thế giới của loài khổng lồ núi và khổng lồ băng giá),
– Vanaheim (thế giới của các thần Vanir – các vị thần của thiên nhiên, hoà bình và sự phì nhiêu),
– Alfheim (thế giới của loài yêu tinh ánh sáng),
– Nidavellir (thế giới của người lùn).
– Helheim (thế giới của người chết).
2. Các ẩn dụ nhỏ khác
NHỮNG CÂU VĂN RẤT DÀI, rất “tiết kiệm” dấu phẩy hoặc những câu văn không có chủ ngữ hoặc theo cú pháp thông thường. Thoạt đọc, bạn sẽ khó chịu vì cảm giác thật trắc trở khi mà trong một câu có nhiều ý tứ nhưng lại không có dấu câu ngắt mạch. Nhưng đọc chậm lại một chút, bạn sẽ thấy việc xuất hiện dấu câu là thừa khi bạn đã có thể hiểu ý tứ và tự ngắt mạch. Rõ ràng sự thiếu vắng dấu phẩy trong những câu dài và chứa cùng lúc nhiều ý tứ mà Richard Powers cố tình sử dụng, gợi nên một thế giới đầy những mạch ngầm liên kết giữa các loài cây, giữa cây sống và rừng đã chết, kể cả việc con người và cây cối vốn có cùng hệ gene từ hàng ngàn năm xưa như nhân vật Patricia chia sẻ trong buổi thuyết giảng của mình trước đám đông. Câu dài không dấu phẩy giống như ý đồ về sự tiếp nối, sức sống ngầm mạnh mẽ và dai dẳng của một thế giới vô hình đang tồn tại song song với thế giới loài người nhỏ bé.
VỀ MẶT NGÔN NGỮ, Powers đã sử dụng ngôn từ khi nói về cây như chính đang nói về con người. Như việc Powers nói về những cánh rừng “bị giết”, cây cối “tham gia xa hơn nữa”… Rõ ràng cách nói này, ngôn từ này cảm giác có gì đó sai sai khi nói về cây cối. Nhưng không, đó là ý đồ của Powers, là sự cố tình sử dụng ngôn từ khi Powers viết về thế giới cây mà ông vốn dĩ coi cây cối bình đẳng với loài người.
NGHỀ NGHIỆP NHÂN VẬT, chẳng phải vô cớ mà Powers cho mỗi nhân vật một nghề nghiệp và ưu thế khác nhau. Cặp vợ chồng Ray và Dorothy có vẻ mờ nhạt nhất trong 9 nhân vật này nếu bạn đọc không để ý rằng nhân vật Ray được xây dựng với vai trò của một luật sư sở hữu trí tuệ và những băn khoăn về “quyền của cây cối”. Bạn có bao giờ nghĩ đến “quyền của cây cối”? Thoạt nghe có vẻ hơi thái quá nhỉ? Nhưng chính ở điểm này gợi nhắc tôi nhớ đến vũ trụ quan của Phật giáo, đó là: Chúng sinh bình đẳng. “Chúng sinh” là tất thảy sinh vật sống trong vũ trụ này, dù là loài người hay động vật bậc cao/bậc thấp khác cho tới cây cỏ. Chà, viết đến đây tôi chợt nghĩ, giá mà ai cũng đồng tình với quan điểm “chúng sinh bình đẳng” ấy, chắc thế gian này đỡ biết bao sân si. Neelay, người sáng tạo game, người tạo ra một thế giới ảo không giống thế giới thực và khiến cho người ta say mê vì khi nhập vai vào game là được sống một cuộc sống chẳng khác nào thần tiên: có thể sống lại sau khi chết, có thể tới những nơi mà ngoài đời thực chỉ còn vết tích… và rồi nhận ra nó chỉ càng khiến người ta quên mất những tàn bạo, mất mát đang diễn ra ở thế giới thực – cần một game thực tế hơn, giống như gáo nước lạnh tạt vào loài người đang u mê vào những mù quáng…
Một sự cố tình của tác giả khiến tôi không thoải mái lắm và thấy khá mệt cũng như phải đọc chậm lại và ghi nhớ nội dung ở các đoạn trước đó là những ẩn dụ nhắc lại đan xen giữa các nhân vật không liên quan. Thoạt đọc, dễ mà bạn sẽ bật lên giống như tôi đã từng: cái quái gì thế này? Một câu văn, đoạn văn chả liên quan gì đến điều đang nói ở trang này cả! Câu văn này vô lý chưa!
XUẤT THÂN CÁC NHÂN VẬT: 9 nhân vật lần lượt là Nick Hoel; Mimi Ma, Adam Appich, cặp vợ chồng Dorothy và Ray, Douglas, Neelay, Patricia, Olivia. Gia đình nhà Hoel, nhà Ma và Neelay là dân nhập cư. Douglas mồ côi không người thân thích và bỗng dưng bị bắt vào tù dù anh không phạm tội gì – và về sau, anh đã tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, được một cái cây nâng đỡ sau cú rơi xuống từ máy bay. Patricia có những nghiên cứu và bài báo nói về cuộc sống của thế giới cây cối không khác gì so với cuộc sống loài người và rồi cô bị đám đông mạt sát, vùi dập đến mức cô đã quyết định từ bỏ tất cả, nghĩ đến việc tự sát từ bỏ cuộc đời. Có một hiện thực nào đó ở đây, về cách cư xử giữa loài người với nhau, với những người có suy nghĩ khác so với đám đông và với những người Mỹ nhập cư. Tôi đồ rằng Powers có chút ẩn ý chính trị ở đây nhưng ý nghĩ này tôi xin giữ lại và để mỗi người đọc tự có một cách cảm nhận riêng.
The overstory, không chỉ là một cuốn sách nói về con người hay một cái cây nào đó hoặc một thế giới cây mà nó còn là những câu chuyện ngoài tầm kiểm soát, giống như nội dung và những phát hiện mới mẻ sau mối lần đọc lại của tôi, thực sự ngoài tầm kiểm soát.